Miệng núi lửa Batagaika là hố băng vĩnh cửu lớn nhất thế giới ở Cộng hòa Sakha thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Những cảnh quay do máy bay không người lái ghi lại gần đây cho thấy trên miệng núi lửa này đã xuất hiện một vết nứt rộng, trải dài hàng km.
Ảnh minh họa
Theo những hình ảnh ghi được, vết lõm thể hiện rõ phần bề mặt không đều và có những gò đất nhỏ. Địa hình bất thường này bắt đầu hình thành sau khi khu rừng xung quanh bị chặt phá vào những năm 1960 và lớp băng vĩnh cửu dưới lòng đất bắt đầu tan chảy, khiến đất sụt lún.
Nhà thám hiểm và cũng là một cư dân địa phương, ông Erel Struchkov cho biết có 1 khe nứt xuất hiện vào những năm 1970, sau đó băng tan dưới sức nóng của những ngày nắng và diện tích băng tan ngày càng mở rộng ra. Các nhà khoa học không chắc chắn về tốc độ chính xác mà miệng núi lửa Batagaika đang mở rộng. Tuy nhiên, ông Erel Struchkov khẳng định đất bên dưới vết sụt lún, ở độ sâu khoảng 100 m có chứa một “khối lượng khổng lồ” khí nhà kính, và sẽ giải phóng lượng khí này vào bầu khí quyển khi lớp băng vĩnh cửu tan ra, tiếp tục thúc đẩy sự nóng lên của hành tinh.
Các nhà khoa học cho biết nước Nga đang nóng lên nhanh hơn ít nhất 2,5 lần so với phần còn lại của thế giới, làm tan chảy vùng lãnh nguyên (tầng đất đã bị đóng băng vĩnh cửu) vốn bao phủ khoảng 65% diện tích đất nước và giải phóng khí nhà kính được lưu trữ trong đất./.
Thanh Trúc