Hãng tin Bloomberg của Mỹ mới đây công bố số liệu cho thấy, từ đầu năm đến nay gần như toàn bộ 23 loại tiền tệ của các nước mới nổi đều mất giá so với đô-la Mỹ. Tuần qua, chỉ số USD Index, vốn phản ánh giá trị của đồng bạc xanh so với 6 loại tiền tệ của các quốc gia, đối tác thương mại lớn của Mỹ đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.
Ảnh minh họa
Từ đầu năm nay, giá đô-la Mỹ liên tục đi lên. Chỉ số đồng đô-la hiện ở quanh 106 điểm, sát mức đỉnh 5 tháng xác lập hôm 16/4. Đáng chú ý, Cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc hôm nay công bố số liệu cho thấy, đồng won đã giảm hơn 7% giá trị so với đô-la Mỹ trong năm nay, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo giới phân tích, đồng đô-la tăng giá do nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh hơn kỳ vọng. Điều đó làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Giới chức FED mới đây nhận định rằng sức đề kháng hiện nay của nền kinh tế Mỹ cho phép FED duy trì lãi suất ở mức cao để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Ông Ed Yardeni – Công ty nghiên cứu thị trường Yardeni Research (Mỹ) chia sẻ: “Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác khiến tài sản định giá bằng đô-la trở nên hấp dẫn, từ đó đẩy giá đô-la tăng cao. Theo tôi, đô-la còn dư địa để tăng giá.”
Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn đồng bạc xanh như kênh trú ẩn an toàn giữa lúc tình hình căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
Cũng theo giới phân tích, đồng đô-la liên tục tăng giá có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của các nền kinh tế khác, do đồng nội tệ của những nước này bị mất giá. Còn tại Mỹ, các công ty đa quốc gia sẽ bị giảm doanh thu ở nước ngoài khi quy đổi sang đô-la. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ thì bị giảm khả năng cạnh tranh ở nước ngoài, do hàng hóa của họ đắt đỏ hơn./.
Dương Tuyển