Châu Âu vừa ghi nhận nhiều bước tiến trong mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới. Trước thềm kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã công bố “chính sách đối ngoại nữ quyền”, trong đó khẳng định phụ nữ sẽ được đặt vào vị trí trung tâm trong các quyết định đối ngoại của chính quyền Berlin. Một quốc gia châu Âu khác là Tây Ban Nha thì công bố dự luật thúc đẩy bình đẳng giới ở nước này.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock
Theo “chính sách đối ngoại nữ quyền” vừa được Ngoại trưởng Annalena Baerbock công bố, các quyết định đối ngoại của Đức đều sẽ tính tới nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái, nhằm xóa bỏ nạn phân biệt đối xử và thúc đẩy một xã hội ổn định hơn. Trong thời gian tới, Đức sẽ dành hơn 90% nguồn quỹ của chính sách này cho các dự án toàn cầu nhằm nâng cao bình đẳng giới.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu: “Chính sách đối ngoại nữ quyền sẽ chi phối chính sách đối ngoại của Đức, từ viện trợ nhân đạo đến sứ mệnh hòa bình cũng như chính sách giáo dục và văn hóa. Xã hội không thể đạt được sự công bằng nếu không có sự tham gia của phụ nữ, vốn được coi là một nửa của thế giới.”
Bà Kristina Lunz – Giám đốc Trung tâm Chính sách Đối ngoại Nữ quyền Đức chia sẻ: “Chính sách đối ngoại nữ quyền vừa được công bố cho thấy Đức tiếp tục theo đuổi mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng lần này không chỉ bó hẹp ở trong nước mà là trên trường quốc tế.’’
Còn tại Tây Ban Nha, hồi tuần trước, Thủ tướng Pedro Sanchez đã công bố dự luật thúc đẩy bình đẳng giới mang tên “Luật đại diện bình đẳng”, trong đó cho biết nước này sẽ áp dụng các biện pháp giúp đảm bảo cân bằng giới trong danh sách bầu cử tại các cấp chính quyền, hội đồng quản trị của các công ty lớn và hội đồng quản trị của các hiệp hội chuyên nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, dự luật yêu cầu số lượng phụ nữ chiếm ít nhất 40% đội ngũ quản lý của bất kỳ công ty niêm yết nào có quy mô hơn 250 nhân viên và doanh thu hằng năm từ 50 triệu euro trở lên.
Theo các chuyên gia, thúc đẩy bình đẳng giới không còn là vấn đề của riêng quốc gia nào mà mang tính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột./.
Dương Tuyển