Tuyên bố giải nghệ từ tháng 4/2010 nhưng Văn Thị Thanh bất ngờ trở lại ở giải vô địch bóng đá nữ quốc gia 2011. Là HLV kiêm cầu thủ, cô tiếp tục tỏa sáng khi đội Hà Nam toàn thắng, dẫn đầu giải sau ba lượt đấu.
![]() |
Văn Thị Thanh trong cương vị HLV đội Hà Nam |
Ba lần đoạt huy chương vàng SEA Games, một lần vô địch Đông Nam Á, một lần là chủ nhân Quả bóng vàng Việt Nam, Văn Thị Thanh cùng Đoàn Thị Kim Chi và Lưu Ngọc Mai được xem là ba ngôi sao lớn nhất của bóng đá nữ Việt Nam. Kim Chi và Ngọc Mai trưởng thành ở TP. HCM – đơn vị có phong trào bóng đá nữ rất mạnh. Văn Thị Thanh vì thế được coi là điển hình vượt khó của giới cầu thủ nữ. Cô sinh năm 1985 trong gia đình thuần nông, không ai theo nghiệp thể thao. Khi 14 tuổi, Thanh được HLV Hải Anh của Hà Nam gọi vào đội trẻ. 14 tuổi nhưng chỉ cao có 1m40, với vóc dáng ấy, không ai tin Thanh có thể trở thành một cầu thủ giỏi. Sự nghi ngờ càng lớn bởi ít người dám tin, Thanh có thể vượt qua những bài tập nặng và cuộc sống khắc khổ của đội nữ Hà Nam. Thời đó, cả đội hơn 20 con người sống trong căn nhà lợp lá chưa đầy 20m2 với khẩu phần ăn 9.000 đồng / ngày.
Bắng đi một thời gian dài, năm 2003, cái tên Văn Thị Thanh xuất hiện đầy bất ngờ trong thành phần tuyển Việt Nam dự SEA Games 2003. Thời đó, tuyển nữ Việt Nam đang sở hữu “thế hệ cầu thủ vàng” với những cái tên như Ngọc Mai, Minh Nguyệt, Quách Thanh Mai, Thúy Nga… Những cầu thủ trẻ như Thanh, vì thế, rất ít có cơ hội đá chính. Thật bất ngờ, ngay ở lần đầu lên tuyển, Thanh đã chiếm ngay vị trí tiền vệ trái và tỏa sáng rực rỡ ở vị trí này. Cô đá cánh trái, thuận chân trái nhưng có thể sút tốt cả hai chân. Thể lực dồi dào, lúc nào cũng đá hết mình, Văn Thị Thanh đã ghi nhiều bàn thắng đẹp, quan trọng, được giới chuyên môn đánh giá là cầu thủ tốt nhất trong đội hình tuyển Việt Nam vô địch SEA Games năm đó.
Kể từ sau chiếc huy chương vàng SEA Games đầu tiên cùng màn trình diễn không thể ấn tượng hơn trong lần đầu khoác áo tuyển Việt Nam, Văn Thị Thanh luôn là sự lựa chọn số một của tất cả các HLV cho vị trí tiền vệ trái. Vài tháng sau chiếc huy chương vàng SEA Games thứ ba (2009, tổ chức tại Lào), Thanh tuyên bố treo giày. Sau đó, cô tốt nghiệp Đại học TDTT và được giao dẫn dắt U19 nữ Hà Nam.
Tại giải VĐQG nữ 2011, bóng đá nữ Hà Nam chia tay rất nhiều trụ cột, vì thế, đội U19 của Thanh được tin tưởng cho dự giải bóng đá nữ cấp cao nhất Việt Nam. Kinh nghiệm là điểm yếu của Hà Nam, vì thế, Văn Thị Thanh vừa là HLV, vừa vào sân thi đấu để làm chỗ dựa cho đàn em. Chỉ đủ sức chơi chừng 60 phút nhưng Thanh, trong vai trò tiền vệ trung tâm, đã là nguồn động viên lớn cho các cầu thủ trẻ Hà Nam.
Trẻ, nhưng được đào tạo bài bản trong vài năm, Hà Nam liên tiếp gây bất ngờ ở giải VĐQG 2011. Ngày khai mạc, họ thắng đương kim vô địch TP. HCM 2 – 0. Hai trận tiếp theo, họ vượt qua Hà Nội Tràng An 2 và Gang Thép Thái Nguyên để bỏ túi 9 điểm, dẫn đầu giải sau ba lượt đấu. Trong thành công hiện tại của Hà Nam, giới chuyên môn đánh giá Văn Thị Thanh có nhiều dấu ấn nhất. Cô biết truyền tinh thần thi đấu máu lửa, biết khích lệ khát vọng chinh phục của các cầu thủ – hai yếu tố giúp Hà Nam thăng hoa.
Gần 10 năm thi đấu đỉnh cao, Văn Thị Thanh được xem là một trong số ít những cầu thủ nữ có cuộc sống ổn định. Với tiền lương, tiền thưởng tích cóp trong quãng thời gian dài thi đấu, sau khi giúp gia đình sửa nhà, sắm sửa đồ đạc, Thanh vẫn còn một khoản làm vốn cho tương lai.
Mối tình đầu với một cầu thủ nam tan vỡ, Thanh đang hạnh phúc cùng chàng trai đồng hương. Cuối năm nay, đôi uyên ương dự kiến sẽ làm đàm cưới. “Một công việc ổn định, một gia đình hạnh phúc và chiều chiều được ra sân thỏa tình yêu bóng đá. Đó là cái kết trong mơ. Tôi là người hạnh phúc” – Văn Thị Thanh chia sẻ trước thời điểm cùng Hà Nam bước vào buổi tập cuối cùng chuẩn bị cho trận đấu với “đàn chị” Hà Nội Tràng An 1.
Sau ba lượt đấu, giải VĐQG nữ 2011 thoát khỏi cảnh trắng tài trợ khi Tập đoàn dệt may Việt Nam bất ngờ trở thành nhà bảo trợ với số tiền 1 tỷ đồng. Giải bóng đá nữ VĐQG – Vinatex 2011 có sự góp mặt của 6 đội bóng là TP HCM, Hà Nội Tràng An 1, Hà Nội Tràng An 2, Than khoáng sản Việt Nam, Phong Phú Hà Nam và Gang Thép Thái Nguyên. 6 đội bóng thi đấu vòng tròn hai lượt (đi và về), chọn ra đội nhiều điểm nhất giành chức vô địch.
Lượt đi diễn ra từ ngày 9 đến 27/4 và lượt về từ 2/7 đến 20/7. Tất cả các trận đấu đều được tổ chức tại Hà Nam.
Theo VnE