Ở cự ly 800 m sở trường, Trương Thanh Hằng đã thể hiện phong độ và bản lĩnh giúp cô giành HCV điền kinh châu Á 2011. Tiếc là cô chưa thể đạt chuẩn B Olympic như mục tiêu ban đầu
Hai ngày trước, Thanh Hằng đã đoạt HCB ở nội dung 1.500 m nữ với thành tích 4 phút 18 giây 40. Do nhắm đến mục tiêu giành chuẩn B Olympic nên đến tận khi bước vào buổi thi vào chiều 10/07, cô mới bung hết khả năng của mình ở cự ly 800 m. Với thành tích 2 phút 1 giây 41, Hằng chỉ còn thiếu 15% giây nữa là chạm được vào chuẩn B Olympic.
![]() |
Thanh Hằng (giữa) trên bục nhận huy chương chiều 10/07 |
Sau khi Vũ Thị Hương – nữ hoàng tốc độ trên đường chạy ngắn của điền kinh Việt Nam – gặp chấn thương không thể tham gia Giải Vô địch châu Á tại Kobe (Nhật Bản), sức ép thành tích đè nặng lên vai Thanh Hằng. Tại giải này, Hằng là niềm hy vọng đoạt huy chương duy nhất và cũng được kỳ vọng sẽ giành suất dự Olympic London 2012 bằng cửa chính thức cho điền kinh Việt Nam.
Theo HLV Hồ Thị Từ Tâm, thời tiết không thuận lợi với sức gió khá lớn cùng việc bị các đối thủ chèn ép đã gây ra không ít khó khăn cho cô. Thậm chí, Thanh Hằng còn phải đối mặt với hai đối thủ mạnh, được đánh giá cao hơn cô là Margarita Matsko (Kazakhstan) và Tintu Luka (Ấn Độ). Matsko chính là người giành HCV Á vận hội 16 và vượt qua Hằng với thành tích 2 phút 0 giây 29, còn thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của Luka là 1 phút 59 giây 17.
Theo chiến thuật đã được đề ra, cô gái đang đầu quân của thể thao Ninh Bình sẽ tập trung tối đa để bứt tốp. Trên thực tế, Hằng chỉ để các đối thủ bám sát trong 600 m đầu tiên, đến 200 m cuối cùng, cô gái Việt Nam không cho cả hai đối thủ chính của mình một cơ hội nào. Cán đích đầu tiên với thành tích 2 phút 1 giây 41, Hằng buộc hai đối thủ Matsko (2 phút 2 giây 46) và Luka (2 phút 2 giây 55) phải tâm phục khẩu phục.
Đánh giá về thành tích của Trương Thanh Hằng, Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT), ông Dương Đức Thủy, nói: “HCV châu Á là tuyệt vời. Nó cho thấy điền kinh Việt Nam có những thế mạnh ở một số nội dung nhất định. Giá như Hằng tái lập được thành tích 2 phút 0 giây 91 ở Á vận hội 2010 hoặc ít ra là đạt mốc 2 phút 1 giây 30 là chuẩn B Olympic London 2012 thì HCV kia thực sự là vàng ròng, vàng mười”.
Trước đây, ông Thủy từng khẳng định, nếu giành HCV châu Á, Hằng sẽ có suất đặc cách tham dự Olympic London 2012, kể cả trong trường hợp không giành chuẩn. Tuy nhiên, theo quy định mới nhất của Liên đoàn Điền kinh thế giới, một VĐV chỉ giành được suất đặc cách này với điều kiện có HCV thế giới. Từ ngày 27/8 đến 4/9 tới đây, Thanh Hằng sẽ góp mặt tại Giải Vô địch Điền kinh thế giới diễn ra tại Deagu (Hàn Quốc). Với thành tích khả quan ở sân chơi châu Á, cơ hội chinh phục chuẩn Olympic của Trương Thanh Hằng vẫn rất rộng mở.
Sẽ được thưởng xứng đáng Với 1 HCV và 1 HCB của Thanh Hằng và HCĐ 3.000 m nữ của Nguyễn Thị Phương, điền kinh Việt Nam xếp hạng 10 trên tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài khoản tiền thưởng 105 triệu đồng theo quy định của Nhà nước, Thanh Hằng chắc chắn sẽ được lãnh đạo Tổng cục TDTT thưởng thêm. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Ninh Bình cũng cho biết sẽ “có những phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực và cống hiến của Hằng”. |
Theo NLD