4/10, 3:35 pm      THẾ LỰC MỚI CỦA ĐỘI BÓNG CHUYỀN NỮ TRUYỀN HÌNH VĨNH LONG 

Giành quyền thăng hạng vào năm 2004, đây là năm thứ 6 liên tiếp đội Truyền hình Vĩnh Long (THVL) thi đấu ở sân chơi cao nhất của làng bóng chuyền Việt Nam- giải Vô địch quốc gia. Trong đó, 3 năm họ phải đi dự VCK ngược và 3 năm còn lại cũng chỉ dám mơ đoạt suất trụ hạng trực tiếp. Nhưng năm nay, họ làm nên điều kỳ diệu với “thế lực mới”- các cô gái mang về chiếc cúp vô địch quốc gia!

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng (giữa) và Phó Tổng Cục trưởng
Tổng cục TDTT Nguyễn Văn Tuấn (bìa phải) trao cúp và cờ vô địch cho đội nữ THVL

Từ 3 năm qua, những người làm công tác TDTT ở Vĩnh Long lên sẵn kế hoạch dài hơi… “chạy lũ” cho đội bóng con cưng của mình, bằng cách thường xuyên đưa cả đội bóng lên ăn ở, tập trung tại Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh. Hầu hết các cô gái “chân dài” này thi đậu vào Trường Đại học TDTT 2 (TP Hồ Chí Minh). Ông Nguyễn Thanh An, Phó Giám đốc Sở VHTTDL kiêm Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh cho biết: Đó là cách làm lưỡng tiện nhất, các em vừa có điều kiện tốt khi học tập, tập luyện và đây chính là nơi rèn quân tốt nhất. Bởi tại trường có nhiều VĐV sinh viên nam và việc di chuyển từ trường đến một số nơi trong TP Hồ Chí Minh hoặc Long An, Bình Phước rất thuận lợi. Mặt khác, ngành TDTT Vĩnh Long nhận ra rằng VĐV phải có trình độ văn hóa nhất định. Đến khi hết thời gian phục vụ cho ngành thì bằng đại học trong tay sẽ là điều kiện tốt cho mai sau khi các VĐV muốn trở thành HLV hay giáo viên TDTT.

Và thật bất ngờ, không thể tưởng được khi dưới thời nhiệm mới của “tướng” Nguyễn Xuân Dung (Trưởng bộ môn Bóng chuyền- Đại học TDTT Hồ Chí Minh), đội THVL đã gây nên cú sốc cực mạnh- lần đầu tiên giành chiếc vô địch quốc gia- Vòng I, đoạt Cúp Đức Long Gia Lai 2010, sau khi vượt qua những đội bóng đàn chị như VTV Bình Điền Long An 3-1 và Thông tin Liên Việt Bank (tiền thân là đội Bộ tư lệnh Thông tin) 3-2.

HLV Nguyễn Xuân Dung tâm tình: “Tại VCK ngược mùa giải năm ngoái, có thể nói rằng đội bóng của chúng tôi (THVL) đã chết đi sống lại ở trận đấu cuối cùng, chủ yếu nhờ may mắn. Sau khi bị Sông Mã Thanh Hóa dẫn trước 2 ván đầu, theo bản năng các học trò của chúng tôi đã trỗi dậy thi đấu tưng bừng để thực hiện cuộc lội ngược dòng ngoạn mục thắng lại 3 ván cuối, thắng lại 3-2 và chính thức trụ hạng”.

Là một đội bóng tỉnh lẻ, lực lượng chủ yếu dựa vào “cây nhà lá vườn” là chính. Trong 10 cầu thủ nội tham dự vòng I giải VĐQG và Cúp Đức Long Gia Lai năm nay thì đã có tới 7 người là sinh viên của Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh, 2 là học sinh THPT…

Không chỉ hạn chế về con người, đội THVL cũng khá eo hẹp về mặt tài chính. Trước đây, cả tiền công và tiền ăn, cao lắm mỗi người được nhận 3,1 triệu đồng/tháng. Kể từ khi gắn thêm tên THVL, mỗi cầu thủ tăng thêm 2,2 triệu đồng. Trong khi mức lương của rất nhiều đội bóng hiện nay gấp đôi các cô gái miền Tây…

Sẽ là thiếu sót khi thành công của đội bóng chuyền nữ THVL hôm nay mà không nhắc đến 2 trợ giúp tích cực của HLV Trần Xuân Dung. Đó là anh Tống Phát Đạt, Nguyễn Hùng Sơn. Các anh đã cộng sự nhau với quan điểm “lấy cần cù, bù khả năng”. Một nhân tố đặc biệt không thể không nói tới khi nhắc đến đội bóng này chính là chủ công người Thái Lan mang áo số 12- Chaisri Tapaphaipun, đã góp sức nhiều năm nay cùng với đội. Và, còn nữa… sự trưởng thành của chủ công Trần Thị Cẩm Tú (6), phụ công Lê Ngọc Tuyết (5), Nguyễn Thị Kim Túc (8), Trần Thị Mỹ Hiền (11) và sự tiến bộ chưa từng có của cây chuyền hai- đội trưởng Trần Hoàng Kim (9), Libero- Trần Hồng Thắm (7). 4 gương mặt dự bị của đội là: Phạm Thị Xuyên (2), Nguyễn Thị Thu Nhiên (3), Nguyễn Thị Hồng Thắm (4), Kaersing Utaiwan (14).

Trong trận chung kết nữ, đội THVL gặp Thông tin Liên Việt Bank. Các cô gái miền Tây “gây sốc” cho người hâm mộ khi thắng với tỷ số 3-2 (25/21, 20/25, 23/25, 26/24, 15/8) trước nhà đương kim vô địch Cúp Đức Long Gia Lai- Thông tin Liên Việt Bank.

DƯƠNG THU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *