Khi V.League mới được khai sinh cách đây gần chục năm, những nhà lãnh đạo của BĐVN kỳ vọng một sự nâng tầm về chuyên môn cũng như đổi mới cách làm, cách nghĩ cũ kỹ từng kìm hãm sự phát triển của cả nền bóng đá. Nhưng tất nhiên, mọi sự không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.
Thực tế là trong thời kỳ đầu, đã có lúc V.League vẫn chỉ như một giải đấu đậm chất nghiệp dư. Thậm chí, ở đó, thứ bóng đá tiêu cực, dàn xếp vẫn còn duy trì được chỗ đứng. Nếu không có cuộc cách mạng chống tiêu cực được tiến hành mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2004 tới 2006, chẳng hiểu số phận BĐVN sẽ còn nghiêng ngả theo chiều hướng nào.
Dĩ nhiên, một lẽ tất yếu là khi V.League chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí còn phản bội lại lòng tin của nhiều thành phần, nó sẽ bị tẩy chay, bị biến thành một thực thể lạc lõng. Đó là thời điểm mà cuộc khủng hoảng niềm tin từ khán giả, từ các nhà tài trợ đồng loạt diễn ra do dư âm của những biến cố tiêu cực (2005-2006). V.League thiếu tình yêu (CĐV), thiếu tiền (tài trợ) và thiếu cả chất lượng khi những trọng tài, những HLV và cả những cầu thủ xuất sắc cùng nhúng chàm. Đó là điểm đáy của một hành trình mà V.League trải qua trong nỗ lực hoàn thiện mình. Và sau đó, sẽ tới lúc V.League đi lên khi những tàn dư của bóng đá thời kỳ nghiệp dư bị gạt bỏ.
![]() |
Các trận đấu V.League ngày càng có chất lượng chuyên môn cao – Ảnh: Đức Cường |
Tới …V.League
“Hết cơn bĩ cực, tới hồi thái lai”, đó là một cảm nhận chính xác về 9 năm tuổi đời của V.League. Sau giai đoạn tụt xuống điểm tận cùng của nỗi thất vọng, V.League trong vòng 3 năm trở lại đây dần hồi phục trước khi thật sự bùng nổ ở mùa giải 2009. Tất nhiên, đó cũng là một hệ quả từ những thành công ở cấp ĐTQG. Nhưng quan trọng hơn, tự thân V.League cũng đã thể hiện được sức sống mới sau một lần đại phẫu để dứt bạo bệnh.
Không phải ngẫu nhiên, tới thời điểm này, V.League được đánh giá là giải đấu số một Đông Nam Á, hơn cả những giải chuyên nghiệp lâu năm như Thai League (VĐQG Thái Lan), S-League (VĐQG Singapore). Sự xuất hiện của những nhà tài trợ lớn kéo theo sự dồi dào về mặt tài chính và dĩ nhiên, như một lẽ tất yếu “đất lành chim đậu”, những cầu thủ nước ngoài chất lượng cao đổ về V.League ngày một đông hơn. Nhờ thế, V.League lần đầu tiên đã có một CLB lọt vào tới bán kết AFC Cup (Bình Dương) cũng như đã sản sinh ra một “ngôi sao” được đón nhận tại châu Âu (Công Vinh). Đó đều là những cột mốc lịch sử cần ghi nhận.
Chất lượng chuyên môn cao hơn của V.League là một thực tế không thể nghi ngờ. Cũng nhờ vậy, V.League 2009 đã chứng kiến một cuộc bùng nổ về khán giả với 1.879.500 lượt CĐV tới sân. Đó là một con số khẳng định rõ ràng tư cách của V.League như giải đấu hàng đầu khu vực.
Tất nhiên, V.League vẫn chỉ đang trong giai đoạn tự hoàn thiện. Nhưng với bối cảnh đặc thù của BĐVN, những bước tiến đạt được đều rất đáng ghi nhận. Nó thể hiện một nỗ lực lớn của những người làm BĐVN trong.
Theo Bóng đá