Lần đầu tiên Lào tổ chức SEA Games và đây là một trong những SEA Games nhỏ nhất trong các kỳ SEA Games. Thế nhưng…

Do kinh phí hạn hẹp và do khó khăn về nhiều mặt nên chủ nhà Lào thu hẹp SEA Games 25 bằng tất cả khả năng của mình. Chỉ có 25 môn thi đấu được đưa vào tranh tài và ít hơn rất nhiều so với các kỳ SEA Games trước 15-22 môn. Nếu so với SEA Games 24 vừa qua tại Thái Lan thì lần này ít hơn 18 môn.

Người dân Lào hiền hòa và cách tích huy chương của họ cũng hiền. Không tập trung môn thế mạnh của mình để kiếm huy chương mà cũng không “bóp” môn thế mạnh của các nước bạn để “dìm” đối thủ. Con số 25 môn gắn liền với lần tổ chức 25 và cũng là khả năng có thể của chủ nhà Lào.

SEA Games 25 này được xem là SEA Games nhỏ nhưng chính phủ Lào đã tận dụng cái SEA Games nhỏ ấy để làm việc lớn nhân Đại hội thể thao Đông Nam Á diễn ra ở đất nước mình.

Lào đã biến lần đăng cai SEA Games đầu tiên của mình thành một SEA Games ý nghĩa với người dân Lào. Ảnh: QUANG THẮNG

Hơn ba năm để chuẩn bị, Lào đã tính đến một công trình SEA Games quanh một quần thể phức hợp bao quanh Đại học Quốc gia Lào. Quần thể phức hợp này gồm sáu khu liên hợp: Khu liên hợp thể thao quốc gia, Đại học Quốc gia (thuộc Trung tâm Thể thao quốc gia), Trung tâm thể thao Chao Anu-vong, Trung tâm thể thao Lao-ITECC, Trung tâm thể thao Beungkhangong. Tất cả công trình trên quần tụ quanh Đại học Quốc gia Lào.

Các công trình ấy so với công trình ở Chiang Mai (SEA Games 18 – 1995) hay các công trình tại SEA Games 22 ở Việt Nam thì chẳng thấm vào đâu bởi giá thành của nó chỉ khoảng 50 triệu USD gồm tất tần tật từ xây dựng đến chi phí đăng cai và tổ chức 25 môn thi đấu. Thế nhưng quan trọng hơn là cái tầm chiến lược của quần thể các công trình ấy và mục đích sử dụng hậu SEA Games 25 của Lào.

Cách đây ba tháng, tôi có dịp tham quan những công trình ấy và được một thành viên trong Bộ Ngoại giao Lào dẫn đi giới thiệu cặn kẽ từng công trình một cách tự hào. Khi ấy, không ít thành viên trong đoàn Việt Nam còn cười khẩy bởi cái sân không thể sánh bằng Mỹ Đình và cái làng VĐV thì chỉ như ký túc xá sinh viên cao cấp chạy quạt mà không máy lạnh… Thế nhưng khi nghe thành viên của Bộ Ngoại giao Lào này nói về tính mục đích thì ai cũng ngạc nhiên. Đó là sau SEA Games 25 toàn bộ các công trình phức hợp được xây dựng cho SEA Games sẽ được “hợp thức hóa” vào Trường Đại học Quốc gia Lào. Ngôi trường mà người Lào đến giờ vẫn tin rằng sẽ là một trường đại học quốc gia lớn nhất Đông Nam Á.

Câu chuyện trên chúng tôi cũng được nghe từ chính những sinh viên Lào đang du học ở Việt Nam và họ hy vọng rồi đây sẽ được trở về Lào học tập ở ngôi trường đại học quốc gia lớn mà Lào có được sau lần đăng cai SEA Games. Thậm chí là ngành giáo dục của Lào còn tính xa hơn đến việc thu hút du học sinh và tính cả chuyện kiếm tiền từ giáo dục ở ngôi trường đại học tầm cỡ Đông Nam Á.

Đêm qua, ngọn đuốc SEA Games đã thắp sáng ở Lào. Một SEA Games nhỏ, không phô trương nhưng vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng của người Lào. Một lễ khai mạc ấm cúng và đầy ắp nụ cười. Quan trọng hơn là người Lào tin rằng mình không đầu tư phí phạm cho một SEA Games nhỏ nhưng ý nghĩa lại rất lớn với chính người dân Lào.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *