Thế nhưng đến khi các cầu thủ SLNA và Navibank Sài Gòn ra sân, thì NHM đã phải thất vọng với một Sông Lam… không Văn Quyến. Chính những phóng viên tác nghiệp ở sân Vinh cũng bất ngờ với thực tế này. Cuối trận, đem những bất ngờ đó hỏi thẳng HLV Nguyễn Hữu Thắng của Đội bóng xứ Nghệ, thì được nghe câu trả lời: “Quyến không phù hợp với sơ đồ chiến thuật mà SLNA sử dụng khi gặp Navibank Sài Gòn”.
Thật lòng, nghe lời giải thích này cứ thấy… sao ấy. Bởi đá với “chiếu dưới” Navibank Sài Gòn, hiển nhiên SLNA phải đá tấn công, mà Văn Quyến lại là một cầu thủ tấn công đắc lực. Thế thì phía sau lý do “vắng mặt vì chuyên môn” liệu câu chuyện về Văn Quyến còn tiềm ẩn những điều gì khó hiểu chăng?
Không rõ nữa, chỉ có điều, ngày khai mạc V.League năm nay là ngày mà cậu bé vàng một thời của BĐVN đã không có cơ hội để… phát sáng.
2/ Trái ngược với chuyện “sao” Văn Quyến ở sân Vinh, lại là chuyện của cả một chùm “sao” xuất hiện một cách hoành tráng ở sân Ninh Bình. Nào là Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em, nào Mai Tiến Thành, Vũ Như Thành, Phan Thanh Bình…. đã có người thống kê tỉ mỉ rằng ở sân Ninh Bình có tổng cộng 15 cầu thủ đang khoác áo ĐTVN hoặc U.23 Việt Nam. Thế nhưng trận đấu của tổng cộng 15 “ngôi sao” ấy lại là trận đấu mà chẳng “sao” nào…. phát sáng.
Thật ra, trong số 15 “ông sao” nói trên, khán giả Ninh Bình chú ý nhiều nhất tới Việt Thắng và thanh Bình – những người mới về đầu quân cho đội bóng của mình, cũng đồng thời là những người có cả một “bề dày thành tích” để mà hãnh diện. Song chiều hôm ấy, cả Việt Thắng lẫn Thanh Bình đều trở nên căng cứng trong màu áo mới. Màu áo mà có thể họ sẽ còn phải mất nhiều thời gian để thích nghi.
3/ Trên sân Hàng Đẫy, trong trận derby Thủ đô giữa Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội T&T, mọi con mắt đều đổ dồn vào từng bước chạy của “ngôi sao lớn” Lê Công Vinh. Thành thật mà nói, kể từ ngày “tu nghiệp” ở Bồ Đào Nha trở về, Công Vinh không ngừng nói là mình đã tiến bộ lên rất nhiều, nhưng thực tế lại cho thấy giữa lời nói với hành động của cầu thủ này vẫn còn một khoảng cách lớn. Có lẽ cũng vì thế mà chiều Chủ Nhật ấy, tiền đạo người xứ Nghệ này nhập trận với một sự quyết tâm rất lớn. Anh chạy chỗ, đi bóng, dứt điểm bằng tất cả những sự năng nổ lớn nhất của mình. Có nhiều thời điểm, anh thậm chí lại chạy sâu về để kiếm bóng hoặc “làm mồi” cho đồng đội. Phải nói, nếu có một cuộc bầu chọn cho cầu thủ chạy nhiều nhất trận đấu, thì người về đích số 1 chắc chắn phải là Công Vinh.
Tuy nhiên tần suất chạy với chất lượng thi đấu của Công Vinh đáng tiếc, lại không tỉ lệ thuận. Cảm giác như giữa anh với phần còn lại của đội bóng vẫn chưa có được sự phối hợp nhịp nhàng. Và có lẽ mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: Với một đội bóng mà hàng tiền vệ thiếu sức sống, đồng nghĩa với khả năng tiếp đạn rất “eo hẹp”, thì Vinh có chạy thế, chứ chạy nữa cũng rất khó để lại dấu ấn như mình mong đợi.
4/ Công Vinh chìm, Việt Thắng, Thanh Bình cũng chìm, Văn Quyến thì thậm chí không có cơ hội để được “chìm”, ngày khai cuộc V.League 2010 rõ ràng là ngày mà hàng loạt những “sát thủ” hàng “sao” của BĐVN ăn trái đắng.
Câu hỏi đặt ra: Cái trái đắng ngắt ấy chỉ là sản phẩm tức thời của một trận đấu hay chính là dấu hiệu báo trước một mùa giải không mấy suôn sẻ với các “ông sao”?
Ở đời, người ta vẫn hay nói câu “ăn nhau về hậu vận”. Có lẽ đấy cũng chính là câu nói mà các “sao” lúc này cần phải tựa vào để giữ niềm tin…
Theo Bóng đá