Hai tháng sôi động của thị trường chuyển nhượng năm nay đã chính thức khép lại bằng hàng loạt thương vụ giờ chót tại nước Anh. Một lần nữa Man City lại là đội chi tiền bạo tay nhất, nhưng ngôi “vua mua sắm” của họ đang bị PSG đe dọa.
Kinh tế khủng hoảng, chuyển nhượng vẫn sôi động
Suốt nhiều tháng qua, tình hình kinh tế các nước châu Âu vẫn mang một màu u ám. Khủng hoảng nợ công, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, chính phủ các nước buộc phải thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, dường như điều đó không mấy ảnh hưởng đến thị trường cầu thủ.
![]() |
Giải Ngoại hạng vẫn là thị trường sôi động nhất |
Số liệu sơ bộ cho thấy, trong 60 ngày qua, số tiền các đội bóng hàng đầu châu Âu đổ vào thị trường còn nhiều hơn cả mùa trước. Đơn cử như Premier League, các CLB đã vung ra hơn 430 triệu bảng. Trong khi đó mùa trước con số này chỉ là 395 triệu bảng.
Thống kê của hãng kiểm toán Deloitte cho thấy, bước vào ngày cuối cùng của thị trường, các CLB Premier League đã chi khoảng 390 triệu bảng, tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Và khi các thương vụ trong ngày cuối được xác nhận, con số này sẽ tương đương với các mùa Hè 2007 và 2009 (từ 450 – 500 triệu bảng) – Dan Jones thành viên nhóm chuyên trách thị trường thể thao của Deloitte cho biết.
Không chỉ ở xứ sương mù, các đội bóng hàng đầu châu Âu khác cũng rất tích cực mộ quân. Theo thống kê của Transfermarkt, Serie A đã đầu tư khoảng 460,7 triệu euro, vượt xa La Liga (344,8 triệu euro). Trong đó, Juventus là đội mạnh tay nhất với 85,75 triệu euro cho 11 cầu thủ. Theo sau là AS Roma (78,4 triệu euro).
2 đội bóng được chú ý nhất là AC Milan và Inter chỉ chi lần lượt có 45 triệu euro và 36,2 triệu euro. Tương tự, tại Tây Ban Nha, Real Madrid và Barca cũng không còn là đội “bạo chi” nhất khi chỉ cùng bỏ ra 55 triệu euro, ít hơn cả Atletico Madrid và Malaga.
Đã xa rồi thời kỳ các tỷ phú ngành xây dựng, xe hơi châu Âu, các “đại gia” nước Mỹ hay thậm chí là các nhà tài phiệt nước Nga làm “náo loạn” thị trường chuyển nhượng châu Âu. Bóng đá cựu lục địa giờ đây đang bị chi phối mạnh mẽ bởi những đồng đô la đến từ các giếng dầu Trung Đông.
Vung 25 triệu bảng chiêu mộ Samir Nasri, hoàng thân xứ Abu Dhabi đã rót tổng cộng cho Man City 76 triệu bảng (tương đương (123,74 triệu USD) riêng mùa này. Nếu tính tổng cộng kể từ khi ông mua lại đội bóng 3 năm trước, nhà tỷ phủ Ả rập này đã “bơm” cho thị trường chuyển nhượng hơn 433 triệu bảng.
Dù vậy Man City cũng chỉ dẫn đầu thị trường chuyển nhượng mùa này với cách biệt sít sao. Theo ngay sau họ là Paris St Germain – đội đã khiến cả châu Âu trố mắt ngạc nhiên khi vung ra đến 43 triệu euro “nẫng” Pastore trước mũi “đại gia” nước Anh Chelsea. Số tiền mà đội bóng nước Pháp chi ra Hè này lên tới con số khó tin: 85 triệu euro (122,3 triệu USD) và hầu hết đều đến từ chủ sở hữu mới đến từ Qatar.
Chưa hết, tại La Liga, hai ông lớn là Barca và Real cũng phải e ngại trước sức mua sắm ghê gớm của Malaga. Từ chỗ trầy trật lo trụ hạng, sau khi Sheikh Abdullah, một thành viên hoàng gia Qatar tung tiền “trục vớt” đội bóng, họ chi liền 58 triệu euro để đưa về những Carzola (21 triệu euro), Toulalan (11 triệu euro), Nacho Monreal (6 triệu euro)…và đặt mục tiêu dự Champions League mùa tới.
Ngay cả những đội chưa có chủ sở hữu người Trung Đông như Barca cũng chịu chi phối lớn bởi dòng tiền đến từ “vựa dầu mỏ” này. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Rosell, người đang kiên quyết cắt giảm chi tiêu để giảm nợ nần lại đồng ý chi 29 triệu euro cho Fabregas và 26 triệu euro cho Alexis Sanchez.
Tất cả chỉ đến sau khi họ ký được hợp đồng tài trợ áo đấu kỷ lục lên tới 170 euro. Và đối tác không phải ai khác chính là Qatar Foundation – một quỹ đầu tư của Chính phủ Qatar. Cứ với đà này, có lẽ những mùa tới thị trường chuyển nhượng châu Âu sẽ nằm trong tay các tỷ phú Trung Đông.
Theo dantri