Gần 6 tháng sau khi phái đoàn Anh thất bại ở cuộc bỏ phiếu chọn chủ nhà World Cup 2018, hạ viện nước này mở cuộc điều tra quanh cáo buộc 8 thành viên cao cấp nhất của FIFA đã nhận hoặc đòi nhận hối lộ trước khi bỏ phiếu
Cách đây gần 6 tháng, vào đêm 2/12/2010 (rạng sáng 3/12/2010 giờ Việt Nam), nước Anh thất bại trong bỏ phiếu chọn chủ nhà World Cup 2018, dù phần trình bày cuối cùng được Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới FIFA Sepp Blatter đánh giá là “xuất sắc và ấn tượng”.
Thất bại gây sốc
Không chỉ thất vọng vì thua cuộc, người Anh còn sốc nặng khi họ bị loại ngay vòng bỏ phiếu đầu tiên chỉ với 2 lá phiếu! Nước Nga vượt qua liên minh Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha và Hà Lan – Bỉ giành quyền đăng cai sau khi chiến thắng ở vòng bỏ phiếu thứ hai. Cũng trong đêm đó, Qatar cũng giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu chọn chủ nhà World Cup 2022.
Nhiều người cho rằng, nước Anh thất bại vì dám động đến các ủy viên điều hành FIFA, gồm tổng cộng 24 người được quyền tham gia bỏ phiếu. Số là trước cuộc bỏ phiếu 6 tuần, tờ Sunday Times tung ra bài điều tra cho thấy, hai ủy viên điều hành Amos Adamu (Nigeria) và Reynald Temarii (Tahiti) đề nghị bán phiếu. Adamu muốn 800.000 USD xây 4 sân cỏ nhân tạo tại quê hương, còn Temarii cần 2,3 triệu USD để xây học viện tại Auckland. Kết quả, hai ủy viên này bị Ủy ban Đạo đức của FIFA đình chỉ nhiệm vụ và bị loại khỏi cuộc bỏ phiếu đêm 2/12/2010.
Xới lại chuyện cũ
Sau thất bại xấu hổ ở cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch LĐBĐ Anh David Triesman từ chức. Tuy nhiên, với tư cách là một thành viên của Quốc hội Anh, ông Triesman không bỏ cuộc. Đầu tuần này, ông tố cáo 4 ủy viên điều hành FIFA đề nghị được “bán phiếu” cho nước Anh trước cuộc bỏ phiếu đầu tháng 12 năm ngoái. Không như hai ủy viên ít được biết đến ở vụ bê bối vào năm ngoái, 4 vị này rất nổi tiếng: Phó Chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch LĐBĐ CONCACAF Jack Warner (Trinidad & Tobago), Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ Nicolas Leoz (Paraguay), Chủ tịch LĐBĐ Brazil R. Teixeira và Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi.
Theo đó, ông Warner muốn được hỗ trợ 800.000 USD giúp Haiti mua bản quyền truyền hình World Cup. Ông Makudi muốn được trao bản quyền truyền hình trận đấu giao hữu giữa Thái Lan và tuyển Anh. Ông Leoz muốn được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ danh dự, còn người đứng đầu LĐBĐ Brazil Teixeira nhắn ông Triesman “hãy tới đây và cho biết các ông có gì cho tôi”.
Cùng lúc, Hạ viện Anh cũng nhận được bằng chứng từ báo Sunday Times cho thấy, hai ủy viên điều hành khác là Phó Chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch LĐBĐ châu Phi Issa Hayatou (Cameroon) và Chủ tịch LĐBĐ Bờ Biển Ngà Jacques Anouma đã nhận 1,5 triệu USD/người để bỏ phiếu giúp Qatar bất ngờ giành quyền đăng cai Cúp Thế giới 2022 trước các ứng viên tiềm năng khác là Mỹ, Úc, Nhật và Hàn Quốc.
Như vậy, tổng cộng đã có 8 ủy viên điều hành FIFA bị tố cáo tham nhũng, chiếm 1/3 số thành viên cao cấp. Những cáo buộc mới nhất nhắm đến cấp dưới của Chủ tịch FIFA S. Blatter xuất hiện chỉ một ngày sau khi ông ký hợp tác với Interpol chống nạn dàn xếp tỉ số và 3 tuần trước khi người đứng đầu LĐBĐ thế giới bước vào cuộc bầu cử giữ ghế thêm nhiệm kỳ nữa với đối thủ là Bin Hamman – Chủ tịch LĐBĐ châu Á. Theo một số nhà quan sát, thời điểm và địa điểm phát ra những cáo buộc mới nhất khiến nhiều người cho rằng, người Anh muốn hạ uy tín của FIFA nói chung và ông Blatter nói riêng. Thậm chí, một nghị sĩ Anh từng dọa rằng, LĐBĐ Anh sẽ rút khỏi FIFA nếu các cuộc điều tra nghiêm túc không được tiến hành.
Trong những phát biểu mới nhất, Chủ tịch FIFA S. Blatter tuyên bố sẽ xử lý nhanh và mạnh tay trước khi cuộc bầu cử chọn chủ tịch mới được tiến hành vào ngày 1/6. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải có bằng chứng. Tôi không thể nói tất cả họ đều là thiên thần hay ác quỷ”. LĐBĐ Anh cho biết sẽ gửi tất cả chứng cứ có được cho FIFA sau khi bước đầu đã gửi một số thông tin có giá trị.
Bài học Salt Lake từ IOC Sáu thành viên cấp cao của FIFA và Qatar đều bác bỏ mọi cáo buộc. Một số ủy viên, như Phó Chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch LĐBĐ châu Phi I. Hayatou, nghiên cứu khả năng kiện ngược lại những người đã “hủy hoại thanh danh, khả năng lãnh đạo và sự trong sạch của ông”. Tuy nhiên, LĐBĐ châu Phi thừa nhận, Qatar đã tài trợ 1,6 triệu USD cho kỳ họp đại hội đồng LĐBĐ châu Phi vào năm ngoái để được độc quyền trình bày ý tưởng đăng cai World Cup 2022 trước tất cả các thành viên của bóng đá châu Phi. Hợp đồng tài trợ này được tất cả các LĐBĐ thành viên châu Phi chấp thuận và không vượt quy định của FIFA. Dù vậy, ông Hayatou nhiều khả năng đối mặt với cuộc điều tra của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) về sự trong sạch của ông do ông là thành viên của tổ chức này. Chủ tịch IOC – ông Jaccques Rogge kêu gọi các tổ chức thể thao phải chống tham nhũng. IOC phải cải tổ hệ thống vận động và bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai Olympic mùa hè và mùa đông sau khi xì-căng-đan chọn nước tổ chức Thế vận hội mùa đông 2002 bị phơi bày: nhiều thành viên IOC phải từ chức vì nhận hối lộ giúp thành phố Salt Lake (bang Utah, Mỹ) trở thành chủ nhà trong cuộc bỏ phiếu năm 1995. Quà hối lộ rất đa dạng, từ các chuyến trượt tuyết, học bổng cho con cái, nhà cửa, việc làm cho các thành viên trong gia đình, tiền mặt, đàn violin cho đến máy cắt cỏ. |
Theo NLD