Ở cận ngày 14.2 này, nhiều cầu thủ Navibank Sài Gòn chợt nhận ra, họ không có tình yêu thật sự hoặc chí ít, chưa cảm nhận được điều đó sau sự cố pháo sáng cháy ở sân Gò Đậu ngày 12.2.

Người ta đốt cả pháo sáng cho "tỏ mặt anh hào" trên sân Gò Đậu – Bình Dương. Ảnh: Tất Đạt

 

Khán giả miền Nam luôn được coi là lành, chính lãnh đạo VFF thừa nhận như thế. Không bắt loa chửi bậy, không đuổi đánh cầu thủ đối phương, không đánh nhau chí chết và cũng chẳng pháo sáng lập lòe. Nhưng, đó là ở những đội bóng có cổ động viên đến sân bằng cả tấm lòng kia…

Trên sân Long Xuyên, không ít người đã ngạc nhiên và cảm động khi thấy có rất đông cổ động viên Đồng Tháp lặn lội sang tận An Giang. Ai cũng biết, đội bóng Đồng Tháp buộc phải thi đấu ở sân trung lập vì sân Cao Lãnh không đủ điều kiện ánh sáng. Nhưng, bất chấp việc các cầu thủ chủ chốt ra đi, bất chấp phải đi xa cả trăm km, các cổ động viên xứ Đồng Tháp Mười vẫn không ngừng yêu quý đội nhà. Họ đội nắng rủ nhau sang An Giang như những ngày đội nắng vào sân từ 2 giờ trưa để xem bóng đá. Khán giả ở Đồng Tháp được ví chẳng khác nào các cổ động viên trung thành của Cảng Sài Gòn khi xưa. Thậm chí, chuyện yêu quý đội bóng đất Sài thành của một cổ động viên, đến chết đã di ngôn lại với con mình là được chôn cùng chiếc áo của đội Cảng đẹp như một truyện cổ tích.

Mùa bóng 2011 này, TP.HCM có đến 3 đội bóng trong sự tự hào phần phật. Không tự hào sao được khi Navibank Sài Gòn nổi tiếng với những vụ đầu tư chuyển nhượng tính bằng triệu USD. Không hồ hởi sao được khi mà đội bóng chơi ở giải hạng Nhất, hạng Nhất thôi nhé, sau khi mua hẳn một đội bóng, họ mua luôn hàng loạt tuyển thủ để thi đấu cho mình và mục tiêu là vô địch. Đội bóng bị coi là “yếu” nhất là câu lạc bộ TP.HCM cũng hân hoan thông báo, họ đã có ngân quỹ 25 tỷ đồng cho mùa này.

Tất nhiên, đã có đội bóng, đã có ngôi sao thì không thể không có hội cổ động viên, cứ nhìn đội bóng Hà Nội T&T tốn kém là thế để có được hội cổ động viên, thậm chí phải là hội cổ động viên đoạt giải Tốt nhất do VFF trao tặng thì biết. Vậy là trên sân Thống Nhất, người ta thấy không khí không còn trầm buồn như thuở ai thích xem bóng đá thì đến sân, ai quý đội bóng thì vào xem. Một đội kèn tí hon ăn mặc chỉnh tề, thổi kèn đúng bài bản, nhún nhảy đúng nhịp điệu đầy vui tai, vui mắt xuất hiện trên sân bóng mỗi chiều cuối tuần. Chưa hết, hội liên hiệp cổ động viên cũng xuất hiện với sự hỗ trợ của cả 3 đội bóng và tất nhiên, họ đến sân để cổ vũ cho cả 3 đội, dù đôi khi chẳng biết cầu thủ dưới sân tên gì. Rồi chẳng biết có phải để thể hiện niềm vui sướng khi đội nhà chiến thắng cho bằng bạn bằng bè trong con mắt lãnh đạo đội bóng hay vì muốn chứng minh, dù là “hội cổ động viên liên hiệp” nhưng chẳng hề thua ai. Hôm qua 12.2 trên sân Gò Đậu, khu vực của cổ động viên Navibank Sài Gòn đã bừng pháo sáng. Cái ánh sáng đỏ lòe vừa vi phạm pháp luật nhà nước, vừa vi phạm điều lệ của VFF ấy đã khiến không ít người ngỡ ngàng. Navibank Sài Gòn đối diện với án phạt từ VFF, các cầu thủ Navibank Sài Gòn lắc đầu: “Yêu nhau đâu ai làm hại nhau dữ vậy”. Nó làm người ta nhớ lại lời ông Vương Tiến Dũng, huấn luyện viên đội Hải Phòng rằng: “Tôi không tin những người đốt pháo sáng là những cổ động viên chân chính”. Người ta cũng nhớ thêm rằng, ở mùa bóng năm nay hội cổ động viên Hải Phòng treo giải: “Ai chỉ ra được người đốt pháo sáng trên sân Lạch Tray sẽ nhận ngay 8 triệu đồng”.

Hóa ra, tiền có thể mua được đội bóng, mua được cầu thủ và thậm chí là có thể khiến cho cổ động viên đến sân ngồi cả 90 phút, nhưng nó không mua được văn hóa ứng xử và tình yêu chân thực dành cho đội bóng. Và ở cận ngày 14.2 này, nhiều cầu thủ chợt nhận ra, họ không có tình yêu thật sự hoặc chí ít, họ chưa cảm nhận được điều đó sau sự cố pháo sáng cháy ở sân bóng khu vực phía Nam.

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *