Năm ngoái, Eugenie Bouchard đến Melbourne ở vị trí số 145 thế giới và thua ngay từ vòng loại thứ 2, ra về trước khi vòng đấu chính bắt đầu, có thể coi như là chưa dự Grand Slam đầu tiên.

Năm nay, cô đến Melbourne ở vị trí số 31 thế giới sau một năm tiến triển nhanh mà vững chắc bằng danh hiệu “tay vợt mới nổi của năm 2013” WTA trao tặng.

Sự tiến triển vững chắc đó nối tiếp bằng một cú đột phá tại mùa hè Úc năm nay khi Bouchard lọt vào vòng bán kết trong bối cảnh nhiều hạt giống trong nhánh của cô rơi rụng. Bouchard trở thành tay vợt Canada đầu tiên lọt vào bán kết đánh đơn Australian Open. Cô cũng là tay vợt Canada đầu tiên tiến xa hơn tất cả các tay vợt nam và nữ của Mỹ ở một giải đánh đơn Grand Slam kể từ kỷ nguyên mở. Canada, láng giềng trầm tính bên cạnh nước Mỹ ồn ào chẳng bao giờ tránh được sự so sánh với nước Mỹ.

Trận tứ kết gặp Ana Ivanovic, cựu số 1 thế giới, cầm giao bóng ở tỷ số 5-7, 7-5, 4-2, Bouchard dẫn trước 40-0, sau đó thua 2 điểm liên tiếp, 40-30. Tung bóng tự tin, Bouchard sải tay đưa bóng về góc trái Ivanovic, không gần vạch nào, đó là chỗ cô muốn. Ivanovic trả bóng cao lại, Bouchard thực hiện cú forehand đưa bóng sang góc đối diện. Tiếp theo là một cú backhand bắt đối thủ chạy ngược lại và sau cùng bước vào sân thực hiện cú volley forehand khiến Ivanovic hoàn toàn bó tay.

Không cú đánh nào của Bouchard mạo hiểm hay ngoạn mục. Nhưng cô kiểm soát được toàn bộ pha bóng, ăn điểm và giữ vững thế trận. Vài phút sau, Bouchard thực hiện cú đánh dọc dây ăn điểm winner thứ 47 trong trận để chiến thắng 5-7, 7-5, 6-2. Cú đánh đó cũng không quá sát dây. Vì không cần thiết phải vậy.

Các tay vợt trẻ mới bước sang tuổi 20 như Bouchard rất dễ bị lừa phỉnh bằng các cú đánh ngoạn mục. Nhưng cô thì không, các cú đánh của cô không phức tạp, đặc sắc, đánh bóng sớm. Cô xây dựng từng điểm đấu chứ không tìm kiếm cú winner thật nhanh. Cô chẳng để cảm xúc khác chi phối trận đấu. Cô chẳng hay nhìn về phía đội hình của mình trên khán đài. Và, một điều khiến cô được yêu mến, là cô chẳng la hét khi đánh bóng. Rất khó tìm được những điều đó ở các cô gái đôi mươi. Những thứ đó rất khó, nếu không nói là không thể, dạy dỗ được.

Genie là tên người ta gọi cô thân mật. Trên khán đài, những tấm biển cổ vũ cô viết trại ra thành “Genie” (Thiên tài). Genie chẳng là thiên tài nếu bạn nghĩ thiên tài thì phải làm những thứ gì thật khó mà mọi người không làm được. Nhưng Genie là thiên tài nếu ta định nghĩa thiên tài là người biến những gì khó khăn thành đơn giản. Ít là nhiều.

Tuy vậy, Genie cũng chẳng là người phụ nữ 35 tuổi cải trang thành cô gái tuổi teen. Cô vẫn giữ được sự trong trẻo của một cô gái đôi mươi. Khi được hỏi, nếu được thì sẽ chọn ai để hẹn hò. Genie trả lời hơi thẹn thùng: “Justin Bieber” trong tiếng cười và la hét rầm trời của gần 15.000 khán giải trên sân Rod Laver Arena. Chàng ca sĩ nhạc teen đồng hương Canada của Genie là thần tượng của các cô nàng mít ướt sao có thể là ý trung nhân trong mộng của cô gái mạnh mẽ này?

Nhưng khi trả lời họp báo theo kiểu nghiêm túc, Genie lại trở thành người từng trải. “Vào bán kết Grand Slam không hoàn toàn là sự ngạc nhiên với tôi. Từ lúc 5 tuổi, tôi luôn đặt kỳ vọng cao vào mình. Tôi hạnh phúc khi vượt được qua bước này”. Australian Open 2014 mới là Grand Slam thứ 4 Genie tham dự.

Genie và tay vợt Anh Laura Robson biết nhau khi họ 9 tuổi. Bây giờ họ là bạn thân nhất của nhau. Mẹ của Laura giới thiệu cho mẹ của Genie học viện Fort Lauderdale (bang Florida, Mỹ) được điều hành bởi cựu tay vợt Nick Saviano. Năm 12 tuổi, Genie chuyển hẳn đến học viện này ăn tập. Saviano đã phát triển các tay vợt tiềm năng như Laura, Sloane Stephens từ nhỏ nhưng chỉ Genie là ông nhận lời làm HLV cùng đi du đấu quanh năm, sau khi đã từ chối vài lời đề nghị từ các tay vợt khác trong những năm qua.

“Genie tiếp nhận thông tin nhanh, rất tập trung, có tố chất tốt và luôn cảm thấy thoải mái ở những trường đấu lớn”, Saviano nhận xét. Nhưng ông cho rằng Genie cần phải học nhiều hơn nữa để trở thành một tay vợt mà Martina Navratilova nhận xét: “Có tiềm năng vô địch Grand Slam”.

Genie vẫn chưa gặp mặt Justin Bieber, người sinh sau cô 4 ngày. Nhưng cô tin sẽ có một ngày như thế: “Đừng lo. Điều đó sẽ xảy ra. Nhưng tôi nghĩ tôi cần làm điều gì đó lớn hơn để gây sự chú ý đến cậu ta, như vô địch Grand Slam chẳng hạn".

Theo Tạp chí Thế giới Tennis

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *