Việc phát sóng trực tiếp bảy trận đấu trong một vòng đấu không chỉ là một phần của bản hợp đồng giữa AVG và VFF mà còn là nhu cầu hưởng thụ của người dân, là quyền lợi của các doanh nghiệp làm bóng đá. Thế nhưng, đến thời điểm này đã cận kề ngày diễn ra giải đấu, vẫn chưa rõ các trận sẽ được trực tiếp thế nào, ở đâu.

 
Thưởng thức một trận cầu nảy lửa giữa các đội bóng mạnh ở V-League là nhu cầu của người hâm mộ bóng đá cả nước. Ảnh: Tất Đạt

 

Trao đổi với đại diện đội bóng Navibank Sài Gòn hôm qua, họ tỏ ra khá lo lắng khi biết được ở thời điểm này vẫn chưa có lịch phát sóng trực tiếp trận nào, đài nào ở V-League liên quan tới đội bóng Navibank Sài Gòn. Một đại diện câu lạc bộ này cho biết: “Trong hợp đồng với nhà tài trợ chúng tôi có điều khoản truyền hình trực tiếp. Mọi năm chúng tôi chủ động làm việc với HTV nhưng bây giờ đã khác. Lý ra phải có lịch trực tiếp cụ thể từ sớm bởi nếu không có hoặc có gì sai khác đi chúng tôi mang tiếng lừa nhà tài trợ thì kỳ cục lắm”. Có cùng lo lắng với Navibank Sài Gòn là những đội bóng được đầu tư mạnh như Đồng Tâm Long An, hay SHB Đà Nẵng…

Chiều 6.1, ông Vũ Quang Huy, giám đốc kênh thể thao VTC cho biết: “AVG yêu cầu chúng tôi tự ra giá để mua bản quyền các trận đấu cũng như chọn trận mà mình sẽ trực tiếp. Chúng tôi đã đề xuất giá như mùa bóng trước là 30 triệu đồng/trận và tự sản xuất. Thế nhưng, mọi việc chưa đi đến đâu cả vì họ chỉ mới phát phiếu thăm dò. Việc đàm phán cụ thể về hợp đồng vẫn chưa được ấn định ngày giờ”. Tương tự như thế, đại diện kênh thể thao VTV cũng cho hay: “Việc đàm phán cụ thể về VTV sẽ phát trận nào, ra sao ở V-League vẫn chưa hoàn thành. Chúng tôi tưởng cuộc gặp mặt diễn ra vào ngày 5.1 là giữa AVG với VTV để đàm phán hợp đồng nhưng cuối cùng đó lại là buổi gặp mặt cả các đài địa phương để phát phiếu thăm dò”.

Các đài truyền hình địa phương như đại diện đài Truyền hình Nghệ An đề nghị thẳng thừng: “Làm trực tiếp V-League với đài địa phương chưa có lãi, nhưng là nhu cầu của người dân địa phương nên chúng tôi muốn trực tiếp như các năm trước mà không mất phí. Chúng tôi cũng không đồng ý phương án trực tiếp trận đấu dài đến 100 phút có quảng cáo kèm theo”.

Vấn đề đang được người hâm mộ cả nước quan tâm hiện nay là AVG chưa thể tự sản xuất được chương trình, như ông Phạm Nhật Vũ (chủ tịch HĐQT AVG) đã trả lời Sài Gòn Tiếp Thị trong ngày công bố bản quyền truyền hình: “Chúng tôi chỉ phát sóng khi nào chúng tôi cảm thấy ưng ý”. Vậy thì việc bán cho ai, bán thế nào để đảm bảo người dân cả nước được xem V-League là vấn đề lớn vì nó còn phụ thuộc vào các đài truyền hình khác. Ấy là chưa kể, khi AVG chính thức đi vào hoạt động thì việc xem trực tiếp các trận đấu V-League sẽ diễn ra như thế nào vẫn chưa ai biết chắc. Khi bán bản quyền truyền hình, quyền lợi của VFF đã được đảm bảo như chính lời ông Lê Hùng Dũng, phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF thừa nhận, nhưng quyền lợi của người hâm mộ và đội bóng dường như không chắc lắm là được đảm bảo.

Đứng trước sự việc đang có phần rắc rối, ông Nguyễn Lân Trung, phó chủ tịch truyền thông của VFF, đã mạnh dạn cho rằng: “Không ngại các đài truyền hình tẩy chay V-League, bởi ai tẩy chay sẽ bị thiệt ở thương trường”. Thế nhưng, trên website của một tờ báo đã thăm dò cho thấy, đến 97% số người được hỏi, không đồng ý nếu phải mua đầu thu AVG để xem V-League.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *