Thành công của Malaysia tại AFF Cup 2010 khiến thủ tướng nước này chọn ngày 31.12 cho cả nước được nghỉ ngơi ăn mừng chiến thắng của đội bóng. Và nhiều chuyên gia bóng đá Việt Nam cùng nhận định, thành công của Malaysia đáng là bài học không chỉ cho các nước trong khu vực, đó còn là bài học cho bóng đá Việt Nam.

Hai cách làm

Người Mã đã có cách làm hoàn toàn khác sau khi phát hiện ra tiêu cực trong làng bóng đá của mình: họ quyết liệt hơn nhiều và cũng có kế hoạch làm lại chi tiết hơn nhiều.

Bóng đá Malaysia trải qua cơn “bạo bệnh” nhưng họ chọn cách làm mạnh tay với tiêu cực. Ngày 22.4.1995, đồng loạt các báo Malaysia đăng tin 54 cầu thủ, huấn luyện viên của Malaysia bị cấm hoạt động bóng đá từ một đến bốn năm. 22 cầu thủ, huấn luyện viên bị trục xuất đến ở tại vùng sâu vùng xa, cấm hoạt động bóng đá vĩnh viễn. Thậm chí 22 người này muốn đi khỏi nơi cư trú phải được sự chấp thuận của cảnh sát.

Mọi chuyện xuất phát từ việc Interpol phát hiện trận đấu Liverpool với Newcastle có dấu hiện dàn xếp tỉ số. Việc điều tra thêm của Interpol còn nhận ra, việc giàn xếp tỉ số còn liên quan đến các trận đấu tại giải quốc nội Malaysia. Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) đã không thương tiếc, loại gần như toàn bộ các cầu thủ ở đội tuyển của họ ra khỏi đời sống bóng đá. FAM chấp nhận bóng đá Malaysia trở thành con số 0 tròn trĩnh trên trường quốc tế. Đó cũng là thời điểm mà Việt Nam được xếp vào hàng "chiếu trên" và đối thủ chỉ còn là Thái Lan hoặc Singapore hay cùng lắm là Indonesia.

Bóng đá Việt Nam có cách làm khác: du di cho nhiều cầu thủ đã bị kỷ luật, thậm chí du di ngay cả với cầu thủ bị VFF cấm thi đấu sau khi phát hiện bán độ.

Cách làm khác, thành quả khác

Hình ảnh thành công của Malaysia, sức trẻ của cầu thủ cùng tài thao lược của một huấn luyện viên nội. Ảnh: VSI

Sau khi cấm hoạt động bóng đá, thậm chí cấm đi khỏi nơi cư trú nếu không có sự đồng ý của cảnh sát đối với những cầu thủ "có án", FAM đã có những quyết định thậm chí bị coi là tiêu cực. Họ yêu cầu các câu lạc bộ không được dùng ngoại binh. Đội tuyển Malaysia cũng chỉ triệu tập các cầu thủ Malaysia “chính hiệu”. Không có chuyện gọi tràn lan các cầu thủ “có nguồn gốc Malaysia” như trước đó, càng không có chuyện triệu tập lại các cầu thủ đã từng bán rẻ đội bóng của mình.

Không chỉ vậy, người Mã còn làm gắt gao hơn khi theo quy định, từ mùa bóng 2005 – 2006, các đội ở giải chuyên nghiệp sẽ cùng một lúc phải có hai đội bóng ở tuyến trẻ để dự cúp U18 và U21. Đội bóng nào không có hai đội tuyến trẻ sẽ bị đánh rớt hạng.

Chưa hết, sau năm 2008 huấn luyện viên Rajagopal dẫn đội bóng U21 tham dự giải quốc tế do báo Thanh Niên tổ chức tại Huế trở về, FAM quyết định trao toàn quyền ở đội tuyển lẫn ở U23.

Trước làn sóng nhập tịch đang lan rộng ở các đội bóng Đông Nam Á, ông Rajagopal cũng tuyên bố: “Để phát triển bóng đá cần đầu tư vào cầu thủ trẻ ngay bây giờ. Còn tôi ở cương vị huấn luyện viên, sẽ không có bất kỳ cầu thủ nhập tịch nào xuất hiện ở đội tuyển Malaysia”.

Và chính sách chú trọng vào việc đào tạo trẻ cùng việc trong sạch hoá đội tuyển của Malaysia đã có những thành công đáng để các đội bóng trong khu vực nhìn với cặp mắt kính nể. Đến thời điểm này ông Kryshnasamy Rajagopal là huấn luyện viên duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu hai chức vô địch SEA Games và AFF Cup liên tiếp (SEA Games 2009 và AFF Cup 2010).

Bóng đá Malaysia cũng trở thành hiện tượng của khu vực khi giữ trong tay cả hai chức vô địch quan trọng ở cấp độ đội tuyển và U23. Đáng nể hơn, đội hình đoạt chức vô địch AFF Cup vừa xong của Malaysia chỉ với đội tuổi trung bình 22,8 tuổi.

Hai cách làm, cách nghĩ khác nhau đã đưa đến hai kết quả khác nhau hoàn toàn. Malaysia đang giữ chức vô địch và đội tuyển Việt Nam bị loại ở bán kết với sự thất vọng lẫn hồ nghi từ khán giả. Phải chăng sau suốt thời gian dài “ngưỡng mộ” Thái Lan, giờ bóng đá Việt Nam đã lại có thêm một “người thầy” mới đáng để học hỏi.

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *