Thành Lương còn 1 năm ràng buộc với HN.ACB và được định giá 4 tỷ đồng. Hàng loạt cầu thủ Nam Định đã mãn hạn hợp đồng và đang ngồi chờ “phiên đấu giá”. BĐVN đã khác trước, dù chỉ là so sánh với một quá khứ chưa xa, khi việc chuyển nhượng của từng cầu thủ vẫn chưa thể công khai, minh bạch mà đôi khi còn phải dấm dúi, đi đêm.
Bạn có nhớ câu chuyện của Minh Phương khi anh rời CSG tới GĐT.LA (2003) với mức giá 400 triệu đồng kèm một cuộc tranh chấp dài dằng dặc? Hay chuyện của Mai Tiến Thành lúc anh rời Thanh Hóa. Xa hơn nữa (7 năm) là cuộc chuyển nhượng của Minh Đức (cựu cầu thủ HKVN) từng được “định giá” chỉ… 1 đồng lúc tới HAGL (2002) chỉ vì phản ứng tức giận của phía đội bóng Hà Nội khi họ cảm thấy bị đối xử bạc bẽo bởi chính cầu thủ đã nhờ HKVN mà bước lên đẳng cấp “sao”. Gần hơn nữa là câu chuyện của một Minh Đức khác – Minh Đức SLNA khi anh rời thành Vinh và vướng vào cuộc tranh chấp giữa Thể Công với XM.HP (2009). Trong chuyện này, tất nhiên Minh Đức cũng có lỗi bởi anh vẫn rất lơ mơ về tính pháp lý của hợp đồng.
Có một điểm chung trong tất cả những vụ việc đó là cuối cùng, cầu thủ cũng được về CLB mà họ mong muốn. Điều này phù hợp quan điểm của FIFA – luôn bảo vệ quyền lợi của người lao động – cầu thủ. Mặt khác, nó cũng phù hợp với cái lý của người Việt Nam – chẳng nên giữ nếu người ta muốn đi. Nhưng thực tế, tình cảm và hình ảnh bị sứt mẻ là khó tránh khỏi. Và chính cầu thủ cũng phải chịu trách nhiệm về điều này khi họ hiểu quá đơn giản, hoặc thậm chí còn không hiểu về tình trạng pháp lý của mình.
Nhưng bây giờ, thực trạng dường như đã thay đổi. Có cảm giác, các cầu thủ ngày càng tỉnh táo hơn trong cách xử lý vấn đề hợp đồng ràng buộc. Nhiều người coi việc tận dụng những cuộc chuyển nhượng là một cơ hội đổi đời. Mà muốn làm được điều đó, hơn lúc nào hết, mỗi người phải biết tự ý thức về tình trạng của mình. Hợp đồng còn bao lâu, điều khoản giải phóng như thế nào, tiền lót tay bao nhiêu là hợp lý, tất cả những thông tin đó đang ngày càng trở thành một “kiến thức” bắt buộc mà mọi cầu thủ phải trang bị nếu không muốn bỏ lỡ dịp may của riêng mình. Và thực tế, họ đã chuyên nghiệp hơn hẳn ở vấn đề nhạy cảm nhưng lại rất then chốt này. Suy cho cùng, sự thay đổi tư duy ở cầu thủ Việt Nam là một điều đáng khích lệ. Bởi chỉ như thế, thị trường chuyển nhượng – một phần quan trọng bậc nhất của BĐCN – mới trở nên minh bạch và thông suốt. Nó cũng giảm tải đáng kể những tranh chấp không cần thiết, thậm chí đôi khi còn mang tính ấu trĩ. Đấy cũng là một phần biểu hiện sự trưởng thành của BĐCN tại Việt Nam. Theo Báo Bóng đá |