Ngày 1.1.2011, liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (LĐBC) chính thức đưa bản quy chế chuyển nhượng vận động viên vào thực tế. Và cũng như môn bóng đá, khi mà nguồn vận động viên còn thiếu, chuyện chuyển nhượng còn lắm éo le, lãnh đạo các đội bóng chuyền học ngay môn bóng đá chuyện chuyển nhượng.

Merliakovax với cái tên mới Lê Kim Nhung giúp đội Vietso Petro có thêm sức mạnh. Ảnh: Duy Nam

 

Thật ra, chẳng cứ gì môn bóng đá, tất cả các môn thể thao còn lại để chuyên nghiệp hoá đều có nhu cầu chuyển nhượng. Ở những môn như quần vợt, xe đạp… cũng đã có những cuộc chuyển nhượng ngầm suốt thời gian qua. Đa phần các đội đua xe đạp khi muốn có vận động viên giỏi đều phải chờ các cuarơ xin nghỉ hẳn hoặc, chi tiền đền bù cho phía bộ môn của các sở văn hoá thể thao và du lịch để việc thanh lý hợp đồng diễn ra nhanh gọn. Đương nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong các cuộc chuyển nhượng này chính là cảm tình với nhau, bởi xét về luật thì rất lằng nhằng, nếu không nói là không có lối ra. Ví dụ, việc cuarơ Nguyễn Thuỳ Dung về Bình Dương hai năm liền nhưng không được thi đấu, cũng xuất phát từ chuyện không ưa nhau rồi giam vận động viên đấy thôi.

Môn bóng chuyền có quy chế là điều hiển nhiên vì từ nhiều năm qua, các đội bóng chuyền đã bắt đầu tìm đến những ông bầu, việc xã hội hoá thể thao đã rõ nét hơn rất nhiều. Tuy vậy, bản quy chế chuyển nhượng đã được đưa ra nhưng việc thực hiện chuyển nhượng như thế nào, và vai trò của LĐBC đến đâu vẫn còn để ngỏ. Giới bóng chuyền đang trông vào việc LĐBC xử lý trường hợp Hữu Hà xin đi khỏi Tràng An Ninh Bình để đặt niềm tin. Cũng cần nói rõ hơn, Hữu Hà chính là thành viên của đội tuyển bóng chuyền quốc gia cho đến thời điểm anh bị cấm thi đấu. Hữu Hà ký hợp đồng với Ninh Bình là hợp đồng lao động của một công nhân viên chức và hiện chỉ chịu ràng buộc theo luật Lao động. Ấy vậy mà khi phía Ninh Bình nhất quyết không cho Hữu Hà chuyển đến đội bóng mới, trong suốt năm 2010 và cho đến thời điểm này, Hữu Hà vẫn bị “treo tay” trong sự làm ngơ của LĐBC khi tổ chức này yêu cầu “các bên tự giải quyết với nhau”.

Mặc dù có quy chế chuyển nhượng nhưng sự hiện diện của LĐBC Việt Nam quá mờ nhạt. Các câu lạc bộ đành chọn cách tự nâng chất lượng của đội mình lên bằng con đường mà các câu lạc bộ bóng đá đã làm, họ nhập tịch các ngoại binh nhằm bổ sung cho sự thiếu hụt nhân sự mà ngay cả khi có tiền cũng chưa chắc là có được. Và đương nhiên, việc nhập tịch này cũng tương tự như những gì đang diễn ra ở môn bóng đá, nó không phục vụ cho việc nâng chất đội tuyển quốc gia. Cụ thể như phụ công Supachai Jitjumroon (Thái Lan) giờ đang thi đấu cho Tràng An Ninh Bình dưới cái tên Đinh Hoàng Chai sau khi hoàn tất các thủ tục nhập tịch vào tháng 3.2011. Trước đây Supachai từng là đội trưởng đội bóng chuyền nam Thái Lan, thế nên chắc chắn anh không thể khoác áo tuyển Việt Nam. Thậm chí, ở thời điểm nhập tịch Supachai đang phải chịu án “treo tay” hai năm từ LĐBC thế giới vì sử dụng một chất cấm.

Vietso Petro sau khi chấp nhận trả lương cao, thưởng lớn nhưng vẫn không thể có được thêm các vận động viên chất lượng, thậm chí đã có vài tuyển thủ từ Thái Bình định chuyển về, nhưng cuối cùng vướng vào biên chế và những điều khó giải thích khác, họ chấp nhận nhập tịch như con đường ngắn nhất để giúp đội có “vai vế”. Cái tên Lê Kim Nhung xuất hiện với bao lời trầm trồ từ khán giả bởi ngoài cái tên Việt Nam, Nhung vẫn là một Merliakovax nói tiếng Nga giỏi hơn tiếng Việt, mắt xanh tóc vàng. Cũng như Đinh Hoàng Chai, Nhung không được đánh giá quá cao về mặt chuyên môn, trình độ của cô chỉ được xếp vào loại khá nhưng thế là quá đủ với yêu cầu của đội bóng.

Cùng với hai cái tên mới toanh của làng bóng chuyền, các đội bóng khác cũng đang rục rịch chuẩn bị cho việc nhập tịch của mình. Người ta chỉ ngại, đến lúc nào đó bóng chuyền lại cũng phải sửa sai như môn bóng đá đang làm vì chuyện nhập tịch tràn lan.

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *