Bốn mươi năm cặm cụi sưu tập những kỷ vật của bóng đá Việt Nam đã biến căn nhà nhỏ trên phố Kim Mã của cựu thủ môn Hà Bôn thành bảo tàng có một không hai ở Việt Nam.
Sinh năm 1938 tại Hà Nội, ham mê bóng đá từ nhỏ, ông từng khoác áo các đội bóng của sở Thuế vụ, Đường sắt, rồi lại thành công ở quân khu Việt Bắc. Từ 1966 ông chuyển công tác sang Bộ Ngoại giao và bắt đầu sưu tập những kỷ vật của bóng đá Việt Nam.
Bác Cả sướng nhất
Ở bảo tàng ông Bôn, bóng đá và những gì liên quan đến sân cỏ xếp kín từ tầng một lên tầng ba. Suốt chiều dài của cầu thang là hơn 60 quả bóng gắn liền với các danh thủ, CLB, đội tuyển quốc gia nam – nữ qua các thời kỳ, ở tất cả các giải đấu.
![]() |
Chiếc áo của thủ môn Trần Minh Quang |
Đặc biệt, trên tất cả những quả bóng này đều có chữ ký và lời đề tặng của các cầu thủ, HLV lừng danh như Thế Anh, Cao Cường, Lê Thuỵ Hải, Mai Đức Chung, Hồng Sơn, Công Vinh…
Ngay từ những năm chơi bóng phong trào, ông đã có thói quen sưu tầm và lưu giữ lại những quả bóng, chiếc áo đấu và cờ lưu niệm…, nhưng chỉ để đấy vì bận bịu công việc. Đến năm 2000, khi nghỉ hưu, ông mới sắp xếp lại và khi ấy, ông cũng không ngờ bộ sưu tập của mình lại nhiều đến thế.
Lúc đầu, ông chỉ định dành riêng tầng ba để trưng bày, nhưng chẳng bao lâu, tình yêu bóng đá đã đầy chặt các tủ, kệ, treo tường cũng không xuể, ông phải bày xuống cầu thang.
Là cựu thủ môn nên ông đã dành sự ưu ái riêng cho những đôi găng và chiếc áo thủ môn những vị trí đẹp nhất. Chỉ tay lên những đôi găng đã sờn có chữ ký các thủ môn, ông bảo, đôi này của cựu thủ môn Trần Văn Khánh, còn cái kia là của thủ môn Tuyết Mai, chiếc áo này là của Trần Minh Quang…
Ông Bôn được các cầu thủ rất yêu mến. Riêng anh em trong đội Thể Công cùng thời vẫn gọi ông là bác Cả, họ bảo “bác Cả sướng nhất” bởi có bộ sưu tập bóng đá độc nhất vô nhị.
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện
Trọng tài Trương Thế Toàn sau nhiều lần đến thăm đã có mong muốn tìm một kỷ vật gì đó thật đặc biệt dành tặng bảo tàng. Chức vô địch AFF Cup 2008 của đội tuyển Việt Nam là cơ hội ngàn năm có một để ông Toàn thể hiện tấm lòng của mình.
![]() |
Quả bóng lịch sử trong trận chung kết AFF Cup |
Chiếc huy chương vàng của đội tuyển Việt Nam cùng quả bóng Công Vinh đánh đầu ghi bàn đã được ông Toàn tặng cho ông Hà Bôn chỉ hai ngày sau trận chung kết. “Tôi rất mong có được một kỷ vật gì đó về thành tích vô địch AFF của tuyển Việt Nam nhưng không nghĩ là lại có những kỷ vật vô giá đến vậy”- Ông Hà Bôn chia sẻ.
Trước đó, HLV Mai Đức Chung- sau khi đưa đội tuyển U22 Việt Nam vô địch Merkada Cup cũng đã tặng ông Bôn một chiếc cúp lưu niệm. “Năm 2008 là năm bóng đá Việt Nam thành công nhất và cũng là năm tôi thành công nhất!”, ông Bôn nói.
Thủ môn Trần Minh Quang từng lặn lội từ Bình Dương tìm đến nhà ông để trao tận tay ông chiếc áo của anh đã cùng Bình Dương hai năm liền vô địch V.League. HLV đội U15 Quốc gia Quách Ngọc Minh tặng ông đôi găng với lời đề tặng “con tặng bố Hà Bôn”.
Trong số “hàng ngoại” của ông, đặc biệt nhất là bức ảnh kèm chữ ký "xịn" của thủ môn lừng danh Peter Shumacher.
Món quà ấy có được là nhờ quãng thời gian ông làm việc tại đại sứ quán Đức, ngài đại sứ biết được thú đam mê của ông nên khi có dịp gặp các danh thủ nổi tiếng đã xin và mang về VN tặng. “Tấm hình Schumacher và quả bóng có chữ ký của Beckham là những thứ tôi quý nhất, trước khi có tấm HCV AFF Cup và quả bóng Công Vinh đánh đầu ghi bàn”- ông Bôn nói.
Hậu phương của bóng
Bà Nguyễn Thị Huyền, vợ ông Bôn đùa: “Lúc đầu đã thoả thuận với ông ấy là chỉ được đến cầu thang tầng 3. Bây giờ, mở cửa ra là thấy bóng rồi, chỉ có khu bếp là dành cho tôi thôi". Ngay cả phòng ngủ, ông cũng để một vài chiếc áo, lá cờ hay tấm ảnh bóng đá.
![]() |
Những kỷ vật "ngoại" |
Vật dụng trong nhà đều liên quan đến bóng đá, từ bật lửa đến gạt tàn và cả… bóng điện. Ông đang tính sẽ phải làm thêm một căn phòng nữa trên sân thượng để có chỗ cho những kỷ vật mà bạn bè ông sau mỗi chuyến đi lại gửi về.
Thấy ông tận dụng hết bát nhựa để kê bóng bà đã sắm thêm lọ gốm, hộp lưu niệm để ông kê hơn 60 quả bóng.
Chính bà là người khơi gợi cho ông cho ông ý tưởng biến tầng hai thành một quán bar nhỏ để ông có một nơi đặc biệt tiếp "bạn bóng".
Cũng bởi tính xuê xoa, mến khách của ông bà nên các cựu cầu thủ, HLV thỉnh thoảng lại tìm đến ông để được hưởng trọn không khí bóng đá. Với họ, ông là người giữ hồn cho bóng đá Việt Nam.
Theo Mạnh Dũng – Thanh Hương (bee.net.vn)