Những người ngồi hơn 11 tiếng/ngày có nguy cơ tử vong trong 3 năm tiếp theo cao hơn 40% so với những người chỉ ngồi dưới 4 tiếng/ngày.
Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu tại Đại học y tế công cộng Sydney (Úc) tiến hành khảo sát hơn 200.000 người và phát hiện thấy ngồi quá lâu tác động rất xấu tới quá trình trao đổi chất.
Các đối tượng tham gia được yêu cầu cung cấp thông tin về thời gian họ ngồi trong ngày. Căn cứ vào đó, các nhà khoa học chia họ thành 4 nhóm nhỏ: ngồi ít hơn 4 tiếng, ngồi 4-8 tiếng, 8-11 tiếng và trên 11 tiếng.
Sau khi tính đến các yếu tố khác như mức độ hoạt động thể chất, cân nặng, tình trạng sức khỏe hiện tại, các nhà nghiên cứu nhận thấy ở nhóm có thời gian ngồi trên 11 tiếng/ngày, nguy cơ tử vong trong 3 năm tiếp theo cao hơn 40% so với nhóm chỉ ngồi ít hơn 4 tiếng/ngày. Nguy cơ này ở nhóm ngồi từ 8-11 tiếng cao hơn nhóm 15%.
Theo các nhà khoa học, ngồi quá lâu gây cản trở hoạt động trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tim mạch.
“Quá trình ngồi kéo dài làm tăng hàm lượng triglyceride, giảm cholesterol tốt HDL và độ nhạy cảm với insulin”, tiến sĩ Hidde van der Ploeg, thành viên nhóm nghiên cứu nhận định.
Cách tốt nhất để hạn chế tác động xấu của việc ngồi quá lâu vẫn là vận động. Trong nhóm ngồi trên 11 tiếng/ngày, nguy cơ tử vong sớm ở người có thời gian ngồi nhiều nhất cao hơn 1/3 so với người có thời gian ngồi ít nhất.
Dành 30 phút mỗi ngày luyện tập như đứng hoặc đi bộ đối với người lớn và 60 phút mỗi ngày với trẻ em là một cách hiệu quả để hạn chế tác động xấu của việc ngồi lâu.
Theo Thu Thương (Theo Time)
(Kienthuc.net.vn)