Trong cuộc sống, những sự việc có thể châm ngòi cho cơn giận dữ là vô tận. Ta phải liên tục đối mặt với những sự việc đó và cuộc sống nhiều khi trở nên căng thẳng không đáng có. Nhưng khi ta hiểu được động lực tận cùng bên trong gây ra những cảm xúc đó thì dường như cuộc sống trở nên thanh thản và yên bình biết bao.

Phần nổi của tảng băng

Cơn giận dữ xảy đến khiến người ta luôn cho mình là đúng đắn và đối phương hoàn toàn sai. Khi đó, người ta sẽ khó mà đủ bình tâm để lắng nghe, tôn trọng hay quan tâm đến người khác, mà chỉ chú tâm đến điều mình muốn. Các nhà tâm lý phân tích rằng : "Cơn giận dữ khiến người đó vừa đóng vai trò của quan tòa, vừa là bồi thẩm đoàn, vừa là công tố viên và chắc chắn trong cơn giận đó sẽ không chấp thuận bất kỳ sự kháng cáo nào".

Phần lớn những người hay cáu giận nghĩ rằng mình "quen" với cảm xúc này và cho đó là điều bình thường. Họ không hề nghĩ đến việc mỗi cơn bão giận dữ đi qua để lại một sự tàn phá khủng khiếp. Có những người lại cho rằng đó cũng là một dư vị cảm xúc khiến cho cuộc sống thêm phần thăng hoa. Nhưng thực tế, phần lớn những cơn giận dữ bùng phát thường là kinh nghiệm đau đớn chứ không phải là sự khai phá cảm xúc. Mỗi cơn giận dữ bùng phát biến thành một hàng rào chắc chắn ngăn trở sự thăm dò, khai phá cảm xúc.

Những cơn giận dữ còn phá tan sức mạnh nội tại khiến người ta không còn sức để đối mặt với vô vàn những sự việc bất trắc có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Những cơn giận dữ còn ngăn cản tình yêu và nhiều khi làm cho bản thân bị cô lập, khó mà hợp tác và thông hiểu với xung quanh. Đó là bức tường vững chắc ngăn cách ta với bạn bè, anh em. Điều nguy hại là khi bức tường này được thiết lập bằng những cơn cáu giận thì hầu như không có cách nào phá nổi, không thể xuyên qua hay luồn xuống dưới như trong phim hành động được.

Những cơn giận dữ ở con người được các nhà tâm lý ví như sự gầm rú, tiếng rống lên của loài thú khi bị những con thú dữ lớn hơn đe dọa. Chúng không thể tự vệ nên đành phải xù lông, gầm lên. Nhiều khi cơn giận dữ ở ta có căn nguyên từ sự sợ hãi. Nhưng không phải ai cũng liên hệ và lý giải được mối liên quan giữa sự giận dữ và nỗi sợ hãi trong tâm hồn. Bề ngoài, cơn giận dữ thường khiến người ta lầm tưởng rằng đó là sự dũng cảm. Có vẻ như người đang giận dữ không biết sợ gì cả, nhất là khi giận dữ đỉnh điểm dẫn đến bạo lực. Nhưng thực chất, đa phần là họ đang có một nỗi sợ hãi trong lòng. Không phải lòng dũng cảm kích thích họ tấn công, mà chính là nỗi sợ không kiểm soát được. Tương tự như con thú bị dồn vào chân tường sẽ phải gầm rú lên và lao tới tấn công.

Nhưng ở một góc độ khác, bên dưới cơn giận dữ còn là nỗi đau đớn và bên dưới nỗi đau đớn chính là sự sợ hãi. Ta không thể nào trải qua sự sợ hãi mà không trải nghiệm nỗi đau đớn trước đó. Nỗi đau đớn đó có thể là do sự mất mát của người thân, tình yêu bị chia lìa hay có thể là do mất việc… Những ai đã từng trải qua cảm giác đó thì mới hiểu nỗi đau đớn đó thật khủng khiếp. Nhiều khi thà nổi giận còn hơn là bị chạm vào nỗi đau đó. Phần lớn chúng ta đều làm như vậy, nhưng khi giận dữ thì nỗi đau đớn trong lòng đó không hề biến mất, mà nó chỉ tạm thời bị chôn vùi, khỏa lấp đi mà thôi.

Đối mặt với cơn giận dữ

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, khi nỗi đau đớn bị cự tuyệt thì lớp lá phủ là những cơn giận dữ sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Những người liên tục có cơn giận dữ sẽ phải triền miên chịu đựng nỗi đau đớn. Kinh nghiệm giận dữ vốn đã đau đớn, nhưng nỗi đau nằm bên dưới đó còn lớn và khủng khiếp hơn nhiều. Nỗi đau ngầm này càng tạo động lực khiến những cơn giận dữ bùng phát ra một cách thường xuyên hơn, khó kiểm soát hơn. Những hậu quả mà các cơn bão này gây ra cũng khủng khiếp theo cấp độ tăng dần.

Cơn giận dữ nhiều khi thể hiện sự tuyệt vọng đơn thuần vì không có khả năng thu xếp cuộc sống của mình hoặc của người khác theo ý mình. Cơn giận dữ sẽ mãi mãi là bóng ma bám theo cả cuộc đời ta nếu ta không có dũng khí đối diện thẳng với chính những nỗi đau, nỗi sợ hãi nằm sâu trong tâm hồn. Theo lời khuyên của chuyên gia tâm lý, rằng một trong những giải pháp để có thể đối diện và kiểm soát những cơn giận dữ là hãy thường xuyên nghĩ lại lần giận dữ gần nhất. Hãy nhớ lại xem ta đã giận ai? Vì nguyên nhân gì? Cảm xúc lúc đó của ta thế nào? Và ta đã thể hiện nó ra sao? Khi đối diện với sự việc đó, hãy để cảm xúc đau đớn trải nghiệm trong tâm hồn. Khi nỗi đau không còn bị cự tuyệt, được "chạm" vào và trải nghiệm trong tâm hồn thì dần dần sẽ không còn căn nguyên cho những cơn giận dữ bất chợt nữa.

Ta hãy đối mặt với một trong những căn nguyên gây nên sự giận dữ là  sự bực tức, tuyệt vọng vì không thể thu xếp cuộc sống của mình hoặc của người khác theo ý mình. Tấn công trong lúc giận dữ là một hành động chứng tỏ sự bất lực. Như hình ảnh con thú nhỏ bị con thú lớn hơn dồn vào chân tường. Những hành động bột phát đó chẳng bao giờ mang lại hiệu quả như ta mong muốn, đó là thu xếp cuộc sống của ta hoặc của người khác theo ý ta. Mọi thứ xung quanh vẫn khác với mong muốn của ta trong khi nỗi đau trong tâm hồn lại chẳng thể biến mất sau những cơn giận. Khi để cho tâm hồn trải nghiệm nỗi đau thông qua sự hồi tưởng trực diện lại căn nguyên những cơn giận dữ có nghĩa là ta đã bắt đầu quá trình chữa lành những vết thương lòng. Khi đó, những nỗi đau có thể bắt nguồn từ bất kỳ đâu trong cuộc sống sẽ được kiểm soát phần nào và không còn là căn nguyên gây nên những cơn cáu giận nữa.

Theo phân tích của các nhà tâm lý, nguyên nhân sâu xa của cơn cáu giận còn là sự thiếu vắng giá trị bản thân. Đó là cảm giác bất lực, cảm thấy bản thân mình không được quan tâm, chăm sóc như đáng ra mình phải được hưởng. Khi cảm thấy bất lực cũng có nghĩa ta cảm nhận được những nỗi sợ hãi từ vô vàn chông gai của cuộc sống và nhiều khi ta sẽ cố uốn cuộc sống theo cách ta muốn để chống lại nỗi sợ hãi. Việc đó thường thất bại và nỗi đau trở nên lớn hơn khi không thể tạo cuộc sống như ý muốn của mình nên thường che giấu nó bằng những cơn giận dữ bùng phát. Khi cơn giận giữ đến đỉnh điểm thì ta lại tấn công cả người thân và bạn bè. Nó khiến ta bị giam cầm trong chính bức tường ta tự dựng lên nhưng rồi lại đổ lỗi cho người khác gây nên việc đó.

Chỉ đến khi ta thấu hiểu giá trị bản thân, trải lòng với nỗi đau thì cơn giận dữ sẽ không còn bùng phát và thôi không đổ tội cho người khác nữa. Sự thấu hiểu giá trị bản thân, trải lòng với nỗi sợ hãi cũng khiến người ta thôi chịu đựng nỗi đau, khiến ta mở lòng đến với những tình cảm thương mến xung quanh. Cuộc sống khi đó sẽ trở nên thanh thản và nhẹ nhàng. 

Hạnh Vân – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *