Theo ghi nhận của Khoa Nội thần kinh – BV Nhân Dân 115, 90% những cơn đau đầu nguyên phát xuất phát ở độ tuổi 20 – 40.

Đây là những cơn đau khởi phát sau một tổn thương thần kinh do những yếu tố bên ngoài tác động như uống rượu, sử dụng các chất kích thích trong thời gian dài, hoặc trạng thái căng thẳng (stress).

Theo BS Võ Đôn, phụ trách Khoa Nội thần kinh – BV Nhân Dân 115, những chỉ định chụp CT scan hay MRI được thực hiện khi đau đầu cơn đầu tiên có tính chất dữ dội và nặng nề; đau có tính chất tăng tần số và tăng mức độ đau đầu; đau đầu có kèm theo thay đổi ý thức, thay đổi tâm thần; đau có kèm sốt, cứng cổ; yếu nửa người.

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Bệnh nhân (BN) Trần Văn N. (35 tuổi) có tiền sử uống rượu nhiều, từng té ngã nhưng không biết khi nào. Sau đó, anh N. đau vùng trán bên phải, đi khám nhiều nơi vẫn không tìm ra nguyên nhân. Chụp CT scan và MRI, BS phát hiện ngoài tụ dịch dưới màng cứng, BN còn bị xuất huyết lốm đốm ở vùng não bên phải. Một BN nữ khác (28 tuổi) nhập viện vì đau đầu dữ dội suốt ngày đêm kéo dài cả tuần, kèm theo một cơn co giật. BN không bị yếu liệt chi, nhưng kết quả MRI não và MRI động tĩnh mạch đã cho thấy BN bị thuyên tắc tĩnh mạch não. Các BS cũng khuyến cáo về việc BN này có tiền căn sử dụng thuốc ngừa thai trong một thời gian dài – đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh đau đầu.

Ngoài ra, cuộc sống căng thẳng nhiều stress sẽ ảnh hưởng đến não và gây ra bệnh đau đầu. Khoa Nội thần kinh BV Nhân Dân 115 từng điều trị chứng đau đầu cho một BN nữ (khoảng 40 tuổi, Long An) hai năm liền nhưng không hết. Cuối cùng mới phát hiện, những cơn đau đầu này xuất phát từ các vấn đề tâm lý, xích mích trong gia đình.

Khoảng 90% đau đầu khởi phát sau một sang chấn thần kinh (stress) và trạng thái căng thẳng. Đau đầu được chia hai loại chính: đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát. Những cơn đau đầu thứ phát thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi và do các bệnh lý khác gây ra như: lao màng não, viêm màng não mủ…

BS Võ Đôn cho biết: “Bệnh đau đầu ở người trẻ bao gồm đau đầu căng cơ, đau đầu migrain. Trong đó, đau đầu căng cơ là một dạng đau đầu mà các sang chấn tâm lý giữ vai trò chính trong khởi phát đau, gây co cơ vùng đầu – cổ, da vùng đầu, thậm chí chải đầu cũng đau. Những cơn đau thường kéo dài vài tuần, đến vài tháng và thậm chí nhiều năm. Đây là đau đầu phổ biến nhất với khoảng 90% trong phân loại đau đầu. Các triệu chứng đi kèm như nôn, buồn nôn, mắt nhìn mờ không rõ nét, người bệnh có vẻ mặt trầm uất, lo lắng mệt mỏi. Đau thường giảm đi khi nghỉ ngơi hay sau giai đoạn sang chấn về tâm lý mất đi”.

Ngoài ra, còn có những loại đau đầu thông thường khác như chứng đau nửa đầu (migrain). Đau đầu migrain có biểu hiện đặc trưng là đau dữ dội ở một bên hoặc hai bên đầu. Từ 10 – 30 phút trước khi xuất hiện cơn đau đầu, người bệnh có thể nhìn thấy một chớp sáng, một đường zigzag (hình chữ chi), hoặc có thể mờ mắt thoáng qua. Một số triệu chứng khác có thể có xuất hiện như nói khó, yếu chân tay, tê ở mặt bàn tay. Những cơn đau dữ dội thể hiện kiểu mạch đập ở vùng trán, thái dương, vùng tai, vùng quanh mắt. Khởi đầu chỉ xuất hiện ở một bên đầu nhưng có thể lan sang bên đối diện và khắp đầu. BN cũng có thể gặp các triệu chứng khác như u ám về tâm thần, thay đổi về tính tình, mệt mỏi… Đau đầu có thể xuất hiện nôn – buồn nôn, tiêu chảy, đi tiểu nhiều lần. Cơn đau thường kéo dài ba – bốn ngày.

Tùy vào từng yếu tố khởi phát, BS sẽ có phương pháp điều trị riêng. BN cần được các thầy thuốc chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm điều trị tâm sinh lý, massage, các bài tập thể dục nhẹ có tính thư giãn… cũng góp phần giúp bệnh thuyên giảm.

Theo PNO
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *