Ảnh minh họa – Nguồn: Inmagine

Với phụ nữ, nếu bị đau tức ngực, có thể đang bị đau tim. Thế nhưng, nếu các triệu chứng biểu hiện chỉ là mệt mỏi, đau quai hàm, hay ngay cả nôn mửa, bạn cũng có thể cần được cấp cứu về tim mạch.

Đó là một trong những khác biệt chủ yếu trong các triệu chứng biểu hiện bệnh tim giữa nam và nữ.

Quan niệm sai về bệnh tim mạch ở phụ nữ

Nhiều người nhầm tưởng bệnh tim mạch chỉ tấn công những phụ nữ có tuổi. Trong thực tế, có nhiều phụ nữ trẻ tuổi tử vong vì bệnh tim mạch hơn cả bệnh ung thư vú – ngay cả khi họ chỉ 20-25 tuổi. Đây còn là căn bệnh gây tử vong hàng đầu đối với các phụ nữ ở độ tuổi trung niên – từ 45-65 tuổi, và cả những phụ nữ lớn tuổi hơn.

Tại sao có nhiều người nhận thức sai về vấn đề này?

Khi bệnh tim mạch lần đầu tiên được nghiên cứu vào những năm 1950, bệnh này được xác định gây tử vong đối với nam giới độ tuổi trung niên. Thật thế, vào thời điểm đó, có nhiều nam giới tử vong vì căn bệnh này hơn phụ nữ.

Thế nhưng hiện nay, nhiều phụ nữ tử vong vì căn bệnh này hơn nam giới (do phụ nữ không nhận ra được các dấu hiệu cảnh báo về bệnh).

Một vấn đề khác nữa là phụ nữ thường biểu hiện các triệu chứng đau tim khác với nam giới. Bản thân phụ nữ thường không nhận ra các dấu hiệu bệnh, vì chung quy mọi người đều nghĩ rằng bệnh này chỉ dành cho nam giới.

Đâu là những khác biệt trong các triệu chứng biểu hiện bệnh giữa nam và nữ?

Khoảng 2/3 nam giới thường thể hiện bị đau tim đột ngột, điển hình là cảm thấy đau tức hay bị nhồi ép ở giữa ngực. Cơn đau có thể lan rộng ra quai hàm hay cánh tay, với một vài cơn khó thở ngắn, có thể có nôn mửa.

Các triệu chứng biểu hiện nơi phụ nữ chỉ là đau ở quai hàm, hay khuỷu tay, cảm giác khó chịu trong bụng, hay cảm thấy như bị khó tiêu. Cũng có thể có vài cơn khó thở ngắn, hay cảm giác mệt mỏi rã rời lan khắp cơ thể.

Các nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tim mạch ở phụ nữ? Có năm nhân tố nguy cơ truyền thống: do hút thuốc lá, bị cao huyết áp, có mức cholesterol cao, mắc bệnh tiểu đường, và gia đình có tiền sử về bệnh tim mạch. Tiền sử trong gia đình là những người có mối quan hệ gần, bị các bệnh lý về tim mạch (như bị đau tim, đột quỵ, được đặt ống thông động mạch vành tim, hay phải dùng tim nhân tạo) trước độ tuổi 60.

Làm gì để có một trái tim khỏe mạnh?

1. Tránh hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá từ những người khác, đây là những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tim mạch. Không nên hút thuốc trong nhà, đặc biệt nếu trong nhà có trẻ em.

2. Hoạt động thể chất 30 phút mỗi ngày. Không nhất thiết bạn phải tham gia một môn thể dục nào đó, hay tập cật lực ở các phòng tập. Bạn chỉ cần vận động để cơ thể bạn hoạt động. Cũng không cần phải vận động liên tục không ngừng nghỉ. Chẳng hạn ở nơi làm việc bạn có thể vận động bằng việc leo thang bộ thay vì dùng thang máy.

3. Ăn uống với chế độ giúp tim khỏe mạnh. Bạn cần ăn nhiều trái cây hay rau củ quả trong ngày.

Cũng nên bổ sung thêm các thực phẩm chứa hydrat-carbon phức hợp – hầu hết có trong đậu và các cây họ đậu, cùng với các loại ngũ cốc nguyên hạt. Thỉnh thoảng có thể dùng thêm khoai tây.

Nên ăn cá tối thiểu một đến hai lần/tuần. Đối với thịt, bạn chỉ nên dùng một lượng vừa đủ, không nên ăn một lúc quá nhiều thịt.

4. Tránh để cơ thể bị béo phì – béo phì được xác định là khi trọng lượng của bạn vượt quá 20% trọng lượng lý tưởng của cơ thể.

5. Cuối cùng, chỉ nên nhấm nháp chút rượu trong mỗi bữa ăn, sẽ giúp bạn kéo dài tuổi thọ cũng như ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Theo PNO
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *