Đồng bằng sông nước miền Tây không chỉ tự hào là vùng đất sản sinh ra các loại cây lành trái ngọt mà còn được biết đến với nền văn hóa ẩm thực phong phú đa dạng cả về nguyên liệu lẫn cách thức chế biến. Đặc biệt hơn là có những món ăn ghép rất độc đáo mà mỗi khi nhắc đến món thứ nhất mọi người dễ dàng liên tưởng tới món thứ hai. Bí hầm – mắm chưng là một trong những ví dụ điển hình cho nét đặc trưng này.

 

Ở cái thời cơ giới hóa chưa phát triển rộng khắp như bây giờ, cứ độ bước vào mùa thu hoạch lúa là ở nông thôn nhà nào như nhà nấy, trừ người già và trẻ nhỏ ai cũng phải ra đồng, người cắt, người bó, người đội, người suốt chẳng ngơi tay. Những lúc tất bật như vậy mới thấy con mắm, con khô, trái bí, củ khoai thật sự phát huy tác dụng nhanh, gọn của cây nhà lá vườn sao cho bữa cơm ngày mùa vừa no lại vừa ngon, để rồi món bí hầm –  mắm chưng đi vào tiềm thức dân mình tự bao giờ.

 Có lẽ vì được ninh trong nước cốt dừa nên món đáng lý ra là canh này hiển nhiên được gọi là hầm. Đặc biệt, đâu chỉ toàn bí rợ độc tấu với nước cốt dừa, món này đủ bộ phải có vài củ khoai lang, nải chuối xiêm chín bói, đôi khi nhiều nhà ở vườn còn biến tấu thêm cả khoai mì.Sơ chế nguyên liệu thì có thể lẹ tay chứ công đoạn hầm thì phải từ từ thủng thẳng cho nguyên liệu mềm thấm đều gia vị và phải nhớ canh sao cho khoai và bí vừa đủ độ chín tới mới ngon.

 Đặc biệt, hễ nhắc tới bí hầm dừa thì người miền Tây dễ dàng liên tưởng tới món chưng mà đúng điệu nhất phải là mắm lóc. Mắm chưng đơn giản chỉ cần tóp mỡ phụ thêm còn ai muốn ngon nữa cất công ra chợ mua thêm vài trăm gram thịt nạc dăm, hành ngò cho đủ đầy hương vị.

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phường 1 – Thành phố Vĩnh Long: “Mỗi lần làm lại món ăn này làm mình nhớ lại hồi còn nhỏ sống chung với gia đình ở quê thì mỗi khi đến màu cắt lúa về thì mẹ kêu hôm nay có ở nhà nấu dùm cho bữa cơm trưa là canh bí hầm dừa với mắm cá lóc chưng để rồi các cô các chú cắt lúa về cùng ăn, lớn lên xa quê hương, rãnh rỗi mình cũng hay làm lại món ăn này cho các con cháu gia đình người thân cùng ăn quây quần bên gia đình với món ăn quê hương mình thấy vui, lòng như ấm lại.”

Bữa nào có món này thì mâm cơm khỏi cần phải dọn lẹ tay bởi canh bí hầm dừa thưởng thức lúc càng nguội càng ngon. Không khí gia đình được hun đúc lên không phải do cơm canh còn bốc khói mà vì mọi người được quây quần thưởng thức cùng nhau. Vị bùi bùi dèo dẻo của khoai, của bí, vị ngọt thơm của chuối, hương lá gừng len lỏi hòa vào cái vị mặn mòi trong từng thớ thịt mắm chưng, y như rằng tất cả đã hẹn trước tự lúc nào cùng lúc đưa mọi người trở về với hương vị của đồng quê./.

Bích Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *