1. Khi chế biến thức ăn, trước khi ăn sau khi đi vệ sinh cần rửa tay sạch sẽ. Giữ dụng cụ làm bếp và nhà bếp luôn sạch sẽ. Vì vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn thường có rất nhiều trong đất, nước, động vật, bàn tay con người, đặc biệt là trên bề mặt thớt, từ đó chúng dễ dàng xâm nhập vào thức ăn, gây bệnh cho con người.
2. Tách riêng thực phẩm tươi sống khỏi thực phẩm đã được nấu chín. Thực phẩm tươi sống nhất là thịt, gia cầm, hải sản có chứa rất nhiều vi khuẩn nguy hại. Những vi khuẩn này có thể lây lan sang các loại thực phẩm đã được nấu chín trong quá trình bảo quản, chế biến.
3. Nấu chín kỹ thức ăn. Việc nấu chín thức ăn sẽ tiêu diệt được hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh. Các loại thực phẩm cần được nấu chín kỹ là: thịt băm, gà nguyên con, thịt nướng.
4. Dùng nước sạch, không dùng nước bẩn (ao, hồ) để rửa và chế biến thức ăn. Chỉ mua và sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn mác, bao bì, đã được kiểm tra chất lượng và còn thời hạn sử dụng.
5. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp (dưới 5oC hoặc trên 60oC). Nếu không có tủ lạnh, thực phẩm sau khi mua về cần chế biến và sử dụng trong ngày, tránh ôi thiu gây ngộ độc thực phẩm. Ở nhiệt độ bình thường (nhiệt độ trong nhà) vi khuẩn có thể sinh sôi nảy nở rất nhanh trong thực phẩm. Khi làm lạnh thực phẩm dưới 5oC hoặc làm nóng thực phẩm trên 60oC, sự tăng trưởng của nhiều loại vi khuẩn sẽ bị chậm đi hoặc ngưng hẳn.
Theo Bác sĩ Nguyễn Hùng ( Sức khỏe & Đời sống )