Giống như chim công, các con nhện công đực cũng có màn phô diễn vẻ đẹp sặc sỡ của cơ thể nhằm thu hút những con cái trong mùa giao phối.
Nhện công có danh pháp khoa học là Maratus volans, thuộc họ nhện nhảy Salticidae, nhưng tên gọi nôm na của chúng bắt nguồn từ đặc điểm tương tự loài chim công. Ở loài nhện này, trong khi con cái chỉ có phần bụng và lưng màu nâu thông thường thì con đực sở hữu phần sau cơ thể bắt mắt, với các màu sặc sỡ như cam, vàng, xanh, … như lông đuôi của một chú công đực.
Nhện công lần đầu tiên được nhà khoa học Octavius Pickard-Cambridge mô tả trong nghiên cứu của ông vào cuối thế kỷ 19. Cho tới nay, giới nghiên cứu đã biết đến 20 loài nhện công sinh trưởng ở Australia. Tuy nhiên, mới chỉ 8 loài trong số này được chính thức nhận diện.
Các con nhện công nhìn chung sở hữu cơ thể tí hon, đặt vừa trên một móng tay người. Một cá thể trưởng thành chỉ phát triển tới chiều dài tối đa khoảng 5mm. Chúng phân bố chủ yếu ở các vùng Queensland và New South Wales của Australia.
Điểm đặc biệt ở loài sinh vật này là vũ điệu độc đáo trong mùa giao phối. Khi một con nhện công đực “đánh hơi” thấy con cái, nó sẽ bắt đầu nghi thức giao phối bằng cách nhấc cao các chân và làm phồng – xẹp bụng nhịp nhàng, tuần tự như trong một điệu nhảy nào đó.
Trong khi đó, các con cái sẽ xem xét tỉ mỉ màu sắc, sự rung động và chuyển động của con đực để chắc chắn người tình tiềm năng khỏe mạnh và cùng loài để giao phối.
Sau một cuộc ân ái, con đực sẽ lặp lại vũ điệu lôi cuốn bạn tình với càng nhiều con cái càng tốt. Thực tế, các con nhện Maratus có thể sở hữu nhiều bạn tình cùng lúc.
Ban đầu, người ta từng cho rằng, nhện đực làm phồng – xẹp bụng để nhảy và di chuyển. Tuy nhiên, nghiên cứu đã bác bỏ quan điểm này và khẳng định màn trình diễn có một không hai này chủ yếu chỉ phục vụ việc giao phối. Dẫu vậy, một số con nhện công, đặc biệt thuộc loài Maratus verpertilio, đã được ghi nhận làm phồng – xẹp bụng trong các cuộc giao chiến với những con đực khác.
Theo VNN