Một nhóm nghiên cứu quốc tế lần đầu tiên chứng minh được ong mật châu Á và châu Âu có thể học hỏi để hiểu được ngôn ngữ vũ điệu của nhau mặc dù tiến hóa những phương thức giao tiếp khác nhau. Kết quả được đăng tải trên tờ PLoS ONE.
Chín loài ong mật được phát hiện trên toàn thế giới tách biệt nhau cách đây khoảng 30 đến 50 triệu năm, và sau đó phát triển những “ngôn ngữ” vũ điệu khác nhau. Nội dung của lời nhắn đều tương tự nhưng việc mã hóa chính xác của những ngôn ngữ này lại khác nhau giữa các loài.
Hiện tại các nhà nghiên cứu từ Australia, Trung Quốc và Đức đã khám phá rằng hai loài ong cách xa về mặt địa lý nhất – ong mật Apis mellifera châu Âu và Apis cerana châu Á – có thể chia sẻ thông tin và hợp tác khai thác các nguồn thực phẩm mới.
Theo Tiến sĩ Shaowu Zhang, Trường Nghiên cứu Khoa học sinh học, ĐH QG Australia, giải thích “Chúng ta biết rằng thành viên trong cùng một tổ ong đều đặn trao đổi thông tin qua điệu nhảy về vị trí của những địa điểm mới được khám phá, ví dụ như nguồn thức ăn, nguồn nước, khu xây tổ mới.”
Ong mật. (Ảnh: www.carolinabees.com)
“Những chú ong trinh sát thực hiện cái gọi là điệu nhảy của ong phía trong tổ. Tọa độ của các địa điểm xa được mã hóa bên trong giai đoạn lúc lắc ve vẩy của điệu vũ ba-lê, với hướng và khoảng cách của nguồn thực phẩm hàm chỉ bằng hướng và độ dài của điệu nhảy. Khoảng thời gian này khác nhau giữa các loài ong, thậm chí nếu nó bay cùng một khoảng cách trong cùng một môi trường. Chính là vì những khoảng cách đó mà chúng tôi nghĩ về các ngôn ngữ khác nhau.”
Đây là nhóm đầu tiên nghiên cứu thành công hành vi của một tổ ong chứa hai loại ong khác nhau. Một trong những phát hiện đầu tiên của thử nghiệm mới lạ này là ong mật châu Á và châu Âu, sau một thời gian điều chỉnh trong tổ hỗn hợp, có thể chia sẻ thông tin và làm việc cùng nhau để thu nhặt thức ăn. Ong mật châu Á theo dõi điệu nhảy của ong châu Âu xâm lược và giải mã thông tin mã hóa chính xác.
Tiến sĩ Zhang cho biết “Ngôn ngữ vũ điệu của ong mật là một trong những hệ thống thông tin được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trong thế giới động vật. Tuy nhiên, như chúng tôi chứng minh, những điều ngạc nhiên vẫn xảy ra. Công trình này có những ứng dụng quan trọng đối với hiểu biết của chúng ta về giao tiếp động vật. Kế tiếp chúng tôi lên kế hoạch nghiên cứu chính xác xem ở mức độ nào sự khác biệt trở thành yếu tố giữa những ngôn ngữ vũ điệu khác nhau.”
Tuệ Minh (Theo PhysOrg)