Một số loài động vật có vú cần ròng rã 24 triệu thế hệ để tiến hoá từ thân hình bé xíu cỡ con chuột thành thân hình to lớn như con voi. National Geographic dẫn nghiên cứu đăng trên tạp chí PNAS.
Sử dụng những mẫu hoá thạch và mẫu vật còn sống, các nhà khoa học đã tính toán được tỷ lệ phát triển của 28 loài động vật có vú trong 65 triệu năm qua. Kết quả cho thấy, đối với động vật có vú, quá trình cơ thể tăng kích cỡ diễn ra chậm hơn quá trình giảm kích cỡ.
Voi mất 24 triệu thế hệ để có kích cỡ như ngày nay
Động vật có vú phải trải qua tối thiểu 1,6 triệu thế hệ để kích thước cơ thể tăng thêm 100 lần, 5 triệu thế hệ để tăng thêm 1.000 lần và 10 triệu thế hệ để tăng thêm 5.000 lần. Động vật có vú trên cạn thuộc bộ móng guốc như ngựa hay tê giác có tốc độ tăng kích thước tối đa nhanh nhất, còn loài linh trưởng cho thấy tốc độ tăng chậm nhất.
Alistair Evans, nhà sinh vật học tiến hoá, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Monash, Úc cho biết: “Điều này có phần bí ẩn. Quá trình tạo ra một con linh trưởng to lớn khó khăn hơn quá trình tạo ra một con voi hay tê giác to.”
Các loài động vật biển có vú như cá voi hay cá heo có tỷ lệ tăng kích thước cao nhất, chỉ mất khoảng 3 triệu thế hệ để đạt mức tăng gấp 1.000 lần.
Nhóm nghiên cứu suy đoán, sự khác biệt này có lẽ là do nước đã hỗ trợ trọng lượng cơ thể chúng, làm chúng dễ phát triển kích thước hơn so với động vật trên cạn. Ví dụ, nhờ sức nâng đỡ của nước mà các bộ phận bên trong của cá voi không bị nghiền nát bởi trọng lượng của chúng.
Nghiên cứu cũng cho thấy động vật có vú giảm kích thước cơ thể nhanh hơn 30 lần so với tăng kích thước.
Theo James Brown, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Đại học New Mexico, có hai lý do giải thích. Thứ nhất, tăng kích thước đòi hỏi nhiều sự thay đổi về cơ và xương để hỗ trợ và di chuyển khối lượng tăng thêm đó. Thứ hai, mọi động vật có vú không phân biệt kích cỡ đều phải phát triển từ một tế bào đơn lẻ và trải qua một thời kỳ phát triển khi chúng còn nhỏ. Vì vậy, để giảm kích thước chỉ phải dừng thời kỳ phát triển này sớm hơn.
Theo VNN