Nguy cơ tuyệt chủng đang hiển hiện với rất nhiều loài động vật khác nhau. Và nguyên nhân lại một lần nữa khiến cho chúng ta phải giật mình.
Mới đây, các chuyên gia mới công bố một số liệu đáng giật mình: hơn 700 loài thú và chim đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, linh trưởng và thú có túi là những loài chịu rủi ro cao nhất. Nguyên nhân là gì? Chính là do biến đổi khí hậu – báo cáo từ tạp chí Nature Climate Change cho biết.
Linh trưởng và thú có túi là những loài chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu.
Con số các loài vật chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu rõ ràng cao hơn hẳn so với những gì khoa học ước lượng trước kia. Trong Sách Đỏ từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, chỉ 7% các loài thú và 4% chim chịu ảnh hưởng từ yếu tố này. Còn trên thực tế, số lượng các loài thú đang có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn tới 47%, còn các loài chim là 23%.
Cụ thể, các chuyên gia đã sử dụng một mô hình tính toán mới, so sánh được các đặc điểm của loài vật và ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là yếu tố nhiệt độ.
"Sử dụng mô hình mới, chúng tôi ước lượng có 47% loài thú đang bị đe dọa (trong số 873 loài) và 23,4% loài chim (trong tổng số 1272 loài) đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu" – báo cáo cho biết.
Các loài linh trưởng và thú có túi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do môi trường sống của chúng hầu hết là ở khu vực nhiệt đới – những nơi có khí hậu ổn định trong vài ngàn năm. Hơn nữa, các loài linh trưởng cũng có tốc độ sinh sản không cao, khiến cho việc thích nghi với biến đổi môi trường trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn tác động đến sự phân bổ của các loài thực vật, qua đó khiến cho nhiều loài động vật gặp rắc rối, đặc biệt là các loài chim. Trong đó, việc nhiệt độ tăng lên cũng làm thay đổi mùa sinh sản cũng như thời gian ấp nở của chim, qua đó ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của chúng.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng loài của những sinh vật đang bị đe dọa rõ ràng đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, và các nhà bảo tồn cần xét đến yếu tố này trong tương lai" – báo cáo đưa ra kết luận như vậy.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.
Theo Trí Thức Trẻ