Thế giới tự nhiên luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Loài khủng long tuy to lớn nhưng đã tuyệt chủng do không thể thích ứng với sự thay đổi của môi trường sống. Trong khi đó, nhiều loài côn trùng bé nhỏ vẫn có thể tồn tại. Chúng được tạo hóa trao cho biệt tài dệt tơ kỳ diệu. Tơ của của các loài côn trùng thể hiện tính tổ chức xã hội nghiêm ngặt của chúng.
Loài kiến vàng bụng xanh ở Australia được đánh giá là một trong những loài côn trùng có khả năng làm tổ bằng tơ vĩ đại nhất. Tổ của chúng là một hệ thống căn cứ phòng thủ vững chắc. Có đến hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn con kiến cùng tham gia làm việc. Những con kiến bé nhỏ cùng nhau nỗ lực để cuốn những chiếc lá có trọng lượng gấp nhiều lần cơ thể chúng lại đúng theo ý muốn.
Khi chiếc lá đã được cuốn lại thành một chiếc tổ kiên cố thì lúc này, những con kiến thợ may sẽ thực hiện công việc kết nối đường biên các tấm lá lại với nhau. Kiến thợ may cắn nhẹ vào ấu trùng để tiết ra chất kết dính, sau đó, nó dùng đầu ngón chân kéo chất kết dính thành những đường tơ đưa lên những vị trí cần may kín. Tổ của loài kiến vàng bụng xanh được xem là một trong những căn cứ địa mà kẻ thù khó xâm nhập nhất so với các tổ của các loài côn trùng khác.
Trong cùng một lãnh thổ, kiến chân dệt Embioptera được xem là hàng xóm với kiến vàng bụng xanh. Nguồn thức ăn chính của kiến chân dệt là rêu trên vách đá. Tổ của chúng là những mạng tơ được hình thành và phát triển ở những nơi có rêu sinh trưởng. Một số con kiến chân dệt có sở thích chọn những khúc gỗ mục rửa làm tổ.
Kiến chân dệt Embioptera |
Không giống như những loài kiến khác, kiến chân dệt không thích cuộc sống quần cư đông đúc mà thường chọn cuộc sống độc lập. Mặc dù căn cứ địa của chúng khá rộng lớn và đông đúc, nhưng nhờ có những con đường tơ liên thông với nhau nên chúng dễ dàng tìm đến từng cái tổ riêng lẻ.
Nang tơ của kiến chân dệt nằm ở phần chân của chúng. Lòng bàn chân trước của chúng có khả năng kết tơ rất nhanh. Kiến chân dết rất sợ kiến vàng vì kẻ thù này thường xuyên cắn nát ổ tơ của chúng. Khi tổ bị phá vỡ, kiến chân dết lập tức khâu vá lại.
Cũng giống như loài kiến vàng bụng xanh ở Australia, kiến Camponotus dùng tơ của ấu trùng để xây tổ. Những chiếc lá khô rắn chắc được kết dính lại với nhau bằng những sợi tơ dẻo dai càng làm cho chiếc tổ thêm phần kiên cố. Chính lớp mạng tơ này đã hỗ trợ kiến truyền tin tức về tổ.
Kiến dùng tơ của ấu trùng để xây tổ |
Trong khu rừng Amazon có một loài nhện chỉ to bằng hạt đậu, nhưng nó lại được đánh giá là những nhà kiến trúc tài ba. Sử dụng hàng triệu đường tơ mảnh, những chú nhện tí hon đã kết thành một thành trì mạng tơ to lớn có thể tích là 20 mét khối. Thành trì bằng mạng tơ càng lớn càng có khả năng thu hoạch nhiều mồi. Trong bất kỳ trường hợp nào chúng cũng không bao giờ để xảy ra sơ xuất trong quá trình giăng tơ.
Các loài vật sống theo bầy đàn thường dễ dàng bắt được những con mồi có thể hình to lớn hơn chúng rất nhiều. Sự thành công đó là nhờ vào tính đoàn kết của các thành viên trong đàn. Nhện là loài vật chiến đấu rất dũng mãnh trên mạng tơ. Chiến lợi phẩm chúng thường đạt được là những miếng mồi khổng lồ. Loài nhện có khả năng tiết ra chất phân giải các tổ chức bên trong cơ thể con mồi thành dịch lỏng. Và sau khi đã hút hết số dịch lỏng đó, con mồi chỉ còn lại cái xác khô.
Nhện có khả năng phun tơ trực tiếp lên mình con mồi và chúng biết nghiên cứu môi trường xung quanh. Chúng thường xuyên kiểm tra để loại bỏ những thứ có thể gây hư hỏng mạng tơ.
Mạng tơ của nhện vừa là bẫy bắt mồi, vừa là nơi giao lưu và truyền đạt thông tin |
Mắt nhện không thể nhìn thấy vật ở xa. Thông thường, chúng xác định vị trí có con mồi nhờ vào sự rung động trên mạng tơ. Sau vài bước đi, nhện dừng lại để cảm nhận những rung động. Cách bước đi và xác nhận thông tin thông qua sự rung động trên mạng tơ như thế được xem là phương pháp truyền đạt thông tin tuyệt vời của loài nhện.
Mạng tơ vừa là bẫy bắt mồi, vừa là nơi giao lưu, truyền đạt và xác nhận thông tin. Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm ra nhiều điều hữu ích từ trong nguyên lý kết tơ của các loài côn trùng để ứng dụng vào cuộc sống con người.
Gia Nữ