Cá không phải chỉ đóng vai trò là nguồn thức ăn cho nhiều loài khác mà chúng còn là những sinh vật phi thường tồn tại trong một thế giới bên dưới mặt nước rộng lớn và đầy bí ẩn.

Về kích cỡ và hình dạng thì cá cũng có sự đa dạng đáng ngạc nhiên. Có những loài cá to lớn hơn cả loài voi nhưng cũng có những loài cá không lớn bằng ngón tay người, một số loài cá trông giống như loài dơi, một vài loài lại trông giống như loài rắn. Có những loài cá trông rất sặc sỡ nhưng cũng có những loài đơn sắc. Một số sinh sống ở đáy biển trong khi số khác bơi lội tự do khắp nơi. Một số là loài ăn thực vật như cá Cichlid châu Phi chẳng hạn, trong khi số khác là loài ăn thịt như cá Piranha bụng đỏ. Một số đẻ trứng, số lại đẻ con và còn biết nuôi con nhỏ hay vài loài thích sống cô độc như loài cá chình Moray trong khi số khác thích sống theo bầy đàn….

Vậy trên trái đất có bao nhiêu loài cá? Có thể nói, trên thế giới hiện có khoảng 22.000 loài cá khác nhau. Không ai có thể biết chính xác tổng số lượng cá trên thế giới là bao nhiêu nhưng, chắc chắn một điều là tổng số lượng cá trên toàn cầu sẽ nhiều hơn cả dân số thế giới và cả tổng số lượng của loài gà nữa.

Các loài cá hiện đại được chia thành 3 lớp khác nhau. Lớp cá xương hiện là lớp cá có số lượng chiếm đa số dưới biển Lớp cá không hàm là những loài cá không có hàm nguyên thuỷ như cá Lampreys, Hagfish. Và lớp cá sụn bao gồm những loài cá có bộ xương sụn và chúng là cá mập, cá đuối….

Ngoài việc là những động vật có xương sống sinh sống dưới nước, cá là loài vật máu lạnh. Điều này có nghĩa là thân nhiệt của chúng lệ thuộc vào nhiệt độ của môi trường nước.

Nhìn chung, các loài cá đều có vẩy và vây. Chúng cũng cần có oxy để sinh tồn. Ở một số loài cá, mang hoạt động tương tự như phổi của các loài hữu nhũ nhằm hít thở không khí để hấp thụ khí oxy.

Thật ra, cá là những sinh vật rất tuyệt vời và chúng có nhiều điều thú vị mà chúng ta cần phải biết. Điều đáng ngạc nhiên là có nhiều loài mang tên cá, cũng có vây, vẩy, mang nhưng thực chất chúng không phải là cá.

Sao biển không phải là loài cá mặc dù chúng sinh sống dưới nước và là sinh vật máu lạnh. Loài động vật da gai này là loài không xương sống trong khi hầu hết loài cá đều có điểm chung là có xương sống. Dẫu thế, giống như nhiều loài cá khác, chúng sinh sống rất tốt dưới đại dương. Mặc dù di chuyển rất chậm chạp dọc theo đáy biển nhưng sao biển là loài ăn thịt và thức ăn của chúng rất đa dạng, trong đó có thịt cá.

Tương tự, loài sứa cũng không phải là cá. Sứa biển thuộc loài động vật không xương sống có họ hàng gần gũi với san hô và hải quỳ. Có rất nhiều loài sứa biển nhưng hầu hết đều có chung một số đặc tính. Chúng có cơ thể mềm mại và những cái xúc tu dài có ngòi châm dùng để bắt mồi từ phiêu sinh vật đến cá. Thế nhưng, cá cũng tìm bắt sứa biển để làm thức ăn.

Dẫu thế, dưới đại dương cũng còn một số sinh vật bị nhầm lẫn là cá. Nếu nhìn thoáng qua, bạn sẽ nghĩ ngay cá heo, cá voi trắng có nhiều điểm tương đồng với một số loài cá mập vốn được xếp vào lớp cá sụn. Thế nhưng, cả cá heo và cá voi đều là loài hữu nhũ sống dưới nước chứ không phải là loài cá.

Không giống các loài cá, chúng là loài máu nóng và thỉnh thoảng phải trồi lên mặt nước để hít thở không khí vì chúng không có mang. Ngoài ra, thay vì có lỗ mũi giống như hầu hết các loài hữu nhũ khác, cá voi và cá heo lại có một lỗ thở ở đỉnh đầu của mình. Thông qua cái lỗ này, chúng có thể hút lấy khí oxy để thở.

Phần lớn các loài cá chuyển động bằng cách co các cặp cơ ở hai bên xương sống một cách so le. Sự co cơ này tạo ra đường cong hình chữ S làm cơ thể cá chuyển động xuống dưới. Khi đường cong đạt tới vây đuôi thì lực phản hồi được tạo ra. Lực phản hồi này, kết hợp với các vây, làm cá chuyển động về phía trước.

Ngoài ra, khi bơi, hầu hết loài cá xương còn phụ thuộc vào cơ quan có tên bong bóng để điều chỉnh sức nổi của mình thông qua việc điều chỉnh áp suất khí trong bong bóng. Khi giảm áp suất khí trong bong bóng, bong bóng cá bị ép nhỏ lại, thể tích giảm và lực đẩy giảm có thể khiến cá chìm xuống. Khi tăng áp suất khiến bong bóng nở ra, thể tích tăng và lực đẩy tăng, khiến cá nổi lên.

Vây cũng được xem là bộ phận rất quan trọng cho cá trong việc bơi lội. Vây cá có nhiệm vụ giúp chủ nhân kiểm soát các chuyển động, chuyển hướng, giúp nâng chủ nhân lên hoặc hoạt động như một cái phanh…Vây đuôi có nhiệm vụ đẩy cá đi cũng như giúp cá kiểm soát hướng lên xuống trong nước. Vây ngực có tác dụng kiểm soát hướng qua lại. Đôi khi, vây ngực cũng hoạt động như một cái phanh. Vây bụng dùng để lèo lái và điều khiển. Vây lưng và vây hậu môn giúp con cá giữ thăng bằng trong khi bơi lội, tương tự như bộ phận giữ thăng bằng của thuyền buồm. Đuôi của hầu hết loài cá có cơ lực lưỡng giúp đẩy chúng đi về phía trước.

Hầu hết các loài cá đều có cấu tạo cơ thể có thể giúp chúng chuyển động dễ dàng trong nước. Với khả năng di chuyển dễ dàng như thế, chúng không cần dựa vào sức đẩy của các dòng chảy để đi đến những nơi mình muốn. Khả năng tuyệt vời đó cũng cho phép chúng khám phá hầu hết thế giới của đại dương từ rất lâu trước khi con người có thể làm được điều này. Thật thú vị và may mắn cho những ai được chiêm ngưỡng thế giới kỳ diệu của loài cá ở bên dưới lòng biển. Nếu các bạn cho rằng cá chỉ là thức ăn của chúng ta thì hãy nghĩ lại vì loài cá thống trị cả thế giới dưới biển.

Minh Thanh
     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *