Cuộc chiến giữa kẻ săn mồi và con mồi nghe thật đơn giản nhưng chiến trường luôn diễn ra rất khốc liệt. Các cuộc chiến luôn thay đổi và chỉ cần một hành động diễn ra cực nhanh cũng có thể để lại những ảnh hưởng rất lớn. Những thay đổi sẽ tạo ra thế cân bằng trong thế giới tự nhiên và quyết định những cá thể nào sẽ sinh tồn.
Cả đàn hồng hạc khuấy động hồ nước tạo nên tình trạng viêm nhiễm nguy hiểm, phòng trường hợp kẻ thù nhảy xuống hồ tấn công chúng. |
Ở một số vùng đầm lầy, nước tràn ngập đất liền. Nước thường xuyên dâng lên và hạ xuống đã tạo thành vùng đất ẩm ướt nhưng không kém phần hỗn độn. Trong vùng hồ cạn ở thung lũng Rift của châu Phi, loài chim hồng hạc luôn phải đối mặt với mối đe dọa đến từ loài khỉ đầu chó. Tro bụi phát ra từ những ngọn núi lửa xung quanh mang nhiều hóa chất độc hại và làm cho nhiệt độ trong hồ tăng cao đến mức có thể đốt cháy hầu hết mọi thứ, kể cả các con vật. Với lớp da sừng dầy ở đôi chân, chim hồng hạc vẫn có thể đi lại và tìm kiếm thức ăn trong hồ nước nóng. Ngược lại, kẻ thù của chúng rất sợ những nơi như vậy nên không dám tấn công con mồi. Chim hồng hạc đã được chiến trường kỳ lạ này bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, hỗn hợp chất hóa học trong hồ nước thường xuyên thay đổi. Nước xung quanh bắt đầu bốc hơi. Những kẻ đi săn luôn rình bắt những con chim con bởi chúng yếu ớt và thiếu khả năng tự vệ. Nơi cư trú an toàn của đàn chim hồng hạc ở thung lũng Rift biến mất dần. Đàn chim phải tổ chức một cuộc di tản để tránh sự tấn công của kẻ thù hung tợn.
Hồ Pơ-goa-ri-a ở Kenya là một hồ cạn lớn và đủ khả năng cung cấp nước quanh năm cho loài chim hồng hạc. Mỗi năm, đàn chim hồng hạc lớn nhất hành tinh di trú về vùng hồ này. Thế nhưng, chỗ ẩn náu ở hồ Pơ-goa-ri-a lại không thật sự an toàn bởi dòng nước chứa đầy chất độc. Chúng chỉ sử dụng được nguồn nước ngọt từ các dòng suối xung quanh. Chiến trường bộc lộ ra một diện mạo khác khi dòng suối bắt đầu yếu dần đi và trở nên khô cạn. Khi đó, chim hồng hạc buộc phải tiến đến gần bờ hồ hơn. Cuối cùng thì chúng cũng thử đối mặt với con khỉ đầu chó ăn thịt hung tợn. Chiến trường thật sự đóng vai trò quan trọng trong sự sống còn của chim hồng hạc. Cả đàn khuấy động hồ nước tạo nên tình trạng viêm nhiễm nguy hiểm, phòng trường hợp kẻ thù nhảy xuống hồ tấn công chúng. Rõ ràng chiến trường đã bảo vệ loài chim hồng hạc.
Chẳng bao lâu sau, mùa mưa lại đến với thung lũng Rift. Vùng hồ Ku-ru-xu nước ngập đầy trở lại. Chim hồng hạc bay từ hồ Pơ-goa-ri-a về quê nhà của chúng.
Đông Nam Á có nhiều vùng đầm lầy rừng đước. Dòng nước là nguyên nhân làm cho rừng đước ngày càng dày đặc. Nhiều loài côn trùng chọn rừng đước là nơi trú ẩn an toàn cho chúng. Tuy nhiên, thủy triều thay đổi liên tục hai lần mỗi ngày ở khu vực này và tạo ra một đấu trường mới hấp dẫn. Đấu thủ là những con bọ sống trên thân đước và loài cá. Khi thủy triều lên đến đỉnh điểm là lúc loài cá tung ra vũ khí bí mật để tóm lấy các loài côn trùng ở gần mặt nước làm bữa ăn cho chúng. Mặc dù là loài động vật sống dưới nước nhưng loài cá có thể di chuyển giữa chiến trường của hai thế giới hoàn toàn dễ dàng. Chúng có thể phóng từ dưới nước lên không trung ở độ cao tối đa là 30 centimet. Khi thủy triều rút xuống kéo theo đàn cá, ưu thế trên chiến trường thuộc về các loài côn trùng. Điều đó không có nghĩa là côn trùng sẽ an toàn tuyệt đối khi ở trên cây. Loài cá bắt đầu bắn những tia nước cực mạnh, cao gấp 15 lần cú nhảy, lên con mồi bằng cách ép chiếc lưỡi vào vòm miệng. Tốc độ và sức mạnh của tia nước có thể giết chết con mồi. Vùng đầm lầy thực sự đã tạo ra một cuộc chiến khốc liệt giữa kẻ sống trên cạn và kẻ sống dưới nước. Phần thắng sẽ thuộc về những kẻ biết lợi dụng địa hình và khai thác kỹ năng chiến đấu của mình.
Cá sấu tuy hung hãn, nhưng chúng cũng cần phải biết lợi dụng chiến trường để có thể chiến thắng kẻ thù và bắt được con mồi |
Vùng đầm lầy Everglade thuộc bang Florida, Mỹ có khí hậu thay đổi theo các mùa nên chiến trường của vùng đầm lầy này cũng chia thành hai giai đoạn khác nhau là mùa mưa và mùa khô. Vào những tháng mùa hè, lượng mưa khoảng 1.500 mm đã tạo ra một vùng đầm lầy nước ngọt khổng lồ. Loài cá sấu châu Mỹ, một trong những loài thú ăn thịt hung tợn nhất thế giới, là loài vật thống trị ở đây. Tuy nhiên, trong vùng đầm lầy nước ngọt rộng lớn này có nhiều nơi ẩn náu cho các loài cá khác nên cá sấu không thể nào tóm bắt được chúng. Vì thế, chiến trường này thật sự không thân thiện với cá sấu. Khi mùa mưa sắp hết, cá sấu không muốn phung phí năng lượng để đuổi bắt con mồi mà thay vào đó là bắt đầu đào các lỗ lớn bên dưới nước. Khi mùa khô kéo đến, nước ở vùng đầm lầy cạn dần. Chiến trường đang thay đổi một cách có lợi cho cá sấu. Nhiều loài cá phải tìm kiếm những chỗ nước sâu hơn để tránh sức nóng mặt trời. Cá từ mọi nơi trên vùng đầm lầy tập hợp về chiếc hố sâu do cá sấu đào. Kẻ săn mồi hung hãn không cần phải đi săn nữa mà vẫn có bữa ăn. Trong những năm hạn hán, nước bắt đầu bốc hơi nhiều. Chiến trường buộc chúng phải chiến đấu quyết liệt với những con cá sấu họ hàng để giành lấy những hồ nước sâu hơn. Tất cả chúng đều hy vọng mùa mưa nhanh đến và chiến trường sẽ trở lại là người bạn thân của chúng.
Cuộc sống ở đâu cũng có sự tranh đấu để tồn tại và phát triển. Mỗi loài vật đều phải có chiến thuật và kỹ năng chiến đấu để đánh thắng kẻ thù và giành được sự an toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng còn phải biết khai thác và lợi dụng các đặc điểm của địa hình để có được chiến thắng vẻ vang.
Minh Thanh