Cuộc chiến giữa kẻ săn mồi và con mồi nghe thật đơn giản, nhưng chiến trường luôn diễn ra rất khốc liệt. Các cuộc chiến luôn thay đổi và chỉ cần một hành động diễn ra cực nhanh cũng có thể để lại những ảnh hưởng rất lớn. Những thay đổi sẽ tạo ra thế cân bằng trong thế giới tự nhiên và quyết định những cá thể nào sẽ sinh tồn.
Vùng Bắc cực có một cuộc chiến thật cay đắng. Các vách đá thẳng đứng, lởm chởm vươn cao khỏi các biển băng và bị những cơn gió lạnh oanh tạc dữ dội. Vào mùa đông, nơi đây dường như không có dấu hiệu gì của sự sống. Thế nhưng, trong những tháng mùa hè ngắn ngủi, các vách đá này là bối cảnh của cuộc chiến tranh giành sự sống thật quyết liệt giữa đàn chim Uria và những con cáo vùng cực.
Uria là một loài chim biển. Chúng dành nhiều thời gian vào mùa đông để tìm bắt cá ở tận ngoài khơi. Cuộc sống của chúng trên biển rất thuận lợi, nhưng chúng không thể đẻ trứng trên mặt nước. Vì thế, khi mùa xuân đến, đàn chim biển Uria phải bay về các hòn đảo để đẻ trứng.
Chim Uria | Cáo vùng Bắc Cực |
Sau những tháng mùa đông sống nhờ vào thức ăn thừa của gấu, cáo vùng cực phải tự đi săn mồi. Chim biển là mục tiêu của chúng. Chim Uria thường xây tổ trên các vách đá thẳng đứng cao hơn 1.500 mét. Cáo vùng cực không thể nào leo lên độ cao như thế được. Chiến trường này là “thiên đường” an toàn cho loài chim biển. Chúng có thể an tâm đẻ trứng và nuôi con ở đây.
Chỉ khoảng 2 tháng sau, nhiệt độ vùng cực hạ xuống rõ rệt. Băng tuyết bắt đầu hình thành trở lại và tấn công ồ ạt đến những chiếc tổ của chim Uria. Chúng buộc phải vượt qua quãng đường 800 mét để có thể đến được bờ biển. Chim non chỉ mới được 3 tuần tuổi và chúng đánh liều bay theo chim bố mẹ. Do lông cánh còn quá ngắn nên những chú chim con có thể rơi xuống đất bất kỳ lúc nào. Đây thực sự là điều mà những con cáo chờ đợi. Chúng xông tới tóm bắt những con chim non bị rơi. Chiến trường này hầu như không còn ưu đãi cho loài chim Uria nữa. Một số chim non may mắn trốn chạy được sẽ bắt đầu một cuộc hành trình mới ra tận biển khơi và tiếp tục phát triển giống nòi của mình.
Chim cánh cụt sinh sống tại Nam Cực |
Vùng Nam cực chứa khoảng 90% lượng băng tuyết trên toàn cầu. Nhiệt độ của nước biển là 0 độ C và bên trên là âm 60 độ C. Mỗi năm, chim cánh cụt từ ngoài khơi trở về đất liền và tại đây, chúng phải đối mặt với loài hải báo. Vào mùa đông, vùng biển dài hàng ngàn kilomet đã biến thành các biển băng dày. Khi mùa xuân về, khoảng 300.000 con chim cánh cụt tiến vào bờ để đẻ trứng. Thời điểm này là cơ hội tốt nhất cho loài hải báo tóm bắt con mồi. Cơ thể chim cánh cụt có dáng suông dài nên chúng bơi lội rất nhanh. Vào mùa xuân, chiến trường nơi đây có những yếu tố thuận lợi mà chim cánh cụt cần. Nhiệt độ ấm áp làm tan chảy biển băng. Chim cánh cụt có nhiệm vụ đi sâu hơn vào trong để đẻ trứng. Chim cánh cụt có 4 tháng để nuôi con trước khi mùa đông khắc nghiệt ở Nam cực quay về.
Trước khi mùa hè trôi qua, chúng phải tìm chỗ xây tổ, kết bạn, đẻ trứng, ấp trứng cho đến khi trứng nở thành chim con rồi nuôi dưỡng chúng và cuối cùng, họ hàng kéo nhau ra đại dương. Mùa giông bão đã bắt đầu ở vùng Nam cực. Những cơn gió lạnh thổi rất dữ dội. Chiến trường này thật sự không còn an toàn cho loài chim cánh cụt. Biển băng đã hình thành dọc theo bờ biển. Chim trưởng thành không thể mang thức ăn về cho chim non. Vì vậy, chúng quyết định lùa đàn con ra bờ biển mặc dù bão tuyết đang rất dữ dội. Nếu cứ tiếp tục ở trên đất tuyết, chim cánh cụt non sẽ bị đóng băng cho đến chết. Dòng nước biển tuy ấm áp nhưng chứa đựng nhiều mối đe dọa. Các mảng băng luôn là vật cản nguy hiểm. Chiến trường đang cản trở đường bơi của chim con.
Loài hải báo đang tìm thức ăn dọc theo bờ biển. Hải báo to gấp nhiều lần chim cánh cụt con. Chúng bắt đầu cuộc săn mồi thật ngoạn mục. Một vài con chim con thoát được sẽ bơi ra ngoài khơi, bắt đầu cuộc hành trình mới của cuộc đời. Thức ăn phong phú ở ngoài khơi sẽ giúp chúng phát triển nhanh hơn.
Cuộc sống ở đâu cũng có sự tranh đấu để tồn tại và phát triển. Mỗi loài vật đều phải có chiến thuật và kỹ năng chiến đấu để đánh thắng kẻ thù. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng còn phải biết khai thác và lợi dụng các đặc điểm của địa hình để có thể có được chiến thắng vẻ vang.
Minh Thanh