Hằng năm, trên đảo Giáng Sinh có hơn 100 triệu con cua đỏ di cư, tìm đối tượng giao phối. Đối với những ai yêu mến loài động vật này thì được chứng kiến cuộc di cư của chúng sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Đảo Giáng Sinh thuộc đất nước Australia, nằm trên vùng biển Ấn Độ Dương, cách đảo Java của Indonesia khoảng 350 km. Hòn đảo này là ngôi nhà chung của khoảng 250 loài động thực vật. Có một số loài chỉ sinh sống ở đây, trong khi số khác chỉ cư trú tạm thời.
Theo các nhà khoa học, có 14 loài cua sống trên cạn sinh sống trên hòn đảo Giáng Sinh này. Trong đó, cua xanh là loài chỉ sinh sống trên đảo. Chúng chỉ di chuyển tới những khu vực có nước ngọt.
Trong số 14 loài cua sống trên cạn ở đảo Giáng Sinh có một loài cua rất to lớn, đó là cua dừa. Chúng là loài chân khớp sống trên cạn lớn nhất thế giới. Mỗi con cua dừa cân nặng khoảng 4 kilogram. Nhưng thật không may, loài cua này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện có khoảng 2 triệu con cua dừa được bảo vệ nghiêm ngặt trong công viên quốc gia đảo Giáng Sinh.
Cua dừa
Sở dĩ loài cua này có tên cua dừa là vì chúng rất thích ăn cơm dừa. Ngoài ra, chúng cũng rất thích ăn xác thối và cả trái cây. Đặc biệt, loài cua dừa có thể phát hiện được mùi thức ăn ở một khoảng cách khá xa. Càng của cua dừa rất khỏe. Nó có thể nâng một vật nặng 30 kg.
Cua đỏ sống trên mặt đất và là loài cua đặc biệt trên đảo Giáng Sinh. Vào mùa khô, những khi nhiệt độ hạ xuống thấp, chúng bò ra khỏi hang và đào đất. Chính vì đặc điểm này mà người ta ví chúng như những người làm vườn. Khi những con cua đỏ ở bên dưới lòng đất, sự trao đổi chất trong cơ thể của chúng sẽ chậm lại để bảo tồn năng lượng. Và khi trời đổ mưa, chúng bò ra khỏi hang để kiếm ăn.
Cua đỏ có thể ăn lá cây và cả thịt đồng loại
Chúng có thể ăn toàn bộ thảm lá cây trên nền rừng. Chúng nhặt nhạnh những trái cây rụng làm thức ăn. Nếu không có cua đỏ, các loài cây trên đảo Giáng Sinh sẽ mọc tràn lan. Nhưng việc chúng giúp cây rừng không mọc tràn lan không gây ấn tượng bằng việc chúng sinh sản. Vào thời điểm có trăng, có hơn 100 triệu con cua đỏ di cư từ rừng tập trung ra bờ biển để sinh sản.
Khi di cư, cua đỏ thường di chuyển với tốc độ trung bình. Tuy nhiên, những lúc trời mưa, mỗi ngày, loài cua đỏ có thể bò được khoảng 1 km. Khi ấy, sự trao đổi chất trong cơ thể chúng hoạt động liên tục. Thách thức lớn nhất mà cua đỏ phải đối mặt ở đây là chúng phải di chuyển qua những đoạn đường hầm mỏ có chất phốt-phát và những con đường trống trải không có cây cối. Lũ cua không những chen chúc nhau mà còn có thể chết do mất nước vì ánh nắng mặt trời rất chói chang.
Mỗi năm, để bảo vệ lũ cua đỏ vào thời điểm chúng di cư, giới chức của công viên quốc gia đã cho dựng hàng rào dọc theo tuyến đường dẫn vào các khu mỏ. Hàng rào dài đến 22km. Người ta phải mất 4 tháng dựng và tháo dỡ. Trước kia, khi chưa có hàng rào bảo vệ, cứ vào mỗi mùa di cư, có đến 15% số cua đỏ bị giẫm chết.
Cua phải giao phối và sinh sản ở đại dương trước tháng Giêng. Nếu không, trứng của chúng sẽ bị khô. Để kết bạn và sinh sản vào trước cuối tháng 12, cua đỏ bắt đầu di cư ra biển. Chu kỳ sinh sản của chúng tùy thuộc vào các giai đoạn của mặt trăng.
Tốc độ di chuyển trung bình của cua đỏ khoảng 6 mét/phút. Chúng di chuyển bằng cách bò ngang, đó là cách di chuyển nhanh nhất để những cái chân không bị dính vào nhau. Lũ cua không bao giờ bỏ phí thời gian. Chúng ăn bắt cứ thứ gì bắt gặp trên đường đi.
Hồng Hậu