Cuộc sống dưới đại dương vô cùng khắc nghiệt. Mối nguy hiểm có từ mọi phía. Bão biển cùng những con sóng cao ngút trời đang tàn phá cả bờ biển. Chúng khuấy động không chỉ mặt biển, mà còn nhiều nơi khác một cách khủng khiếp.

Con cầu gai

Tuy nhiên, bão biển không ngăn cản nhiều loài đã chọn nơi đây làm nhà. Rái cá biển là loài hữu nhũ và có gương mặt rất dễ thương. Rái cá được xem là vị cứu tinh đối với rong biển và tất cả các sinh vật sống lệ thuộc.

Những đám rong biển cao to là nơi ẩn nấp lý tưởng cho các cộng đồng sinh vật biển. Thế nhưng, những con cầu gai đã khai thác cây rong biển vì mục đích khác. Chúng đeo bám rong biển và hút liên tục chất nhựa của rong biển và biến cả khu vực thành một vùng đất hoang tàn. Chúng phát triển và sinh trưởng nhanh đến nỗi có thể tàn phá hoàn toàn khu rừng rộng lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Cầu gai đeo bám và liên tục hút chất nhựa của rong biển

Rái cá ăn được nhiều loài sinh vật biển. Tuy nhiên, món khoái khẩu nhất của chúng là cầu gai. Mỗi ngày, rái cá cần một lượng thức ăn bằng một phần tư trọng lượng cơ thể mình chỉ để giữ ấm thân thể. Vì vậy, chế độ ăn khổng lồ của rái cá có thể khống chế, ngăn chặn sự hủy diệt của cầu gai và bảo vệ những khu rừng bên dưới đại dương.

Rong biển đóng một vai trò quan trọng trong đại dương và rái cá trở thành “người hùng” của các khu rừng dưới đáy đại dương. Cuộc sống ở đâu cũng cần có sự cân bằng. Nếu rái cá không kìm hãm được sự phát triển của cầu gai thì thảm họa sẽ trở lại và sự cân bằng sẽ biến mất.

Rái cá trở thành "người hùng" của các khu rừng rong biển dưới đại dương

Cực Bắc xa xôi là nơi lạnh giá nhất trên Trái đất, cho nên, mọi người luôn nghĩ rằng, cuộc sống ở Cực Bắc rất khó khăn. Thế nhưng, các mảng băng lại là thế giới thân thiện một cách đáng ngạc nhiên. Khi nước ấm hơn, không khí bên trên 40 độ, thì các dưỡng chất sẽ hình thành. Đây là nguồn sống cho mọi sinh vật của vùng đất này, trong đó có ba kẻ khổng lồ của đại dương : cá voi sát thủ, cá voi Bô-héd và cá voi lưng gù. Cá chính là nguồn thức ăn chính của chúng.

Cá voi lưng gù là loài vật to lớn, dài ngang bằng một chiếc xe buýt nhưng lại nặng gấp 2 lần. Chúng bơi chỉ với vận tốc 5km/h. Tuy nhiên, chúng rất thông minh và hòa đồng. Chúng biết sử dụng cách làm việc theo nhóm và óc sáng tạo để bắt cá. Cá voi thường sử dụng những bài hát phức tạp và những động tác ngộ nghĩnh để phối hợp kế hoạch của nhau. Chúng hít thật nhiều không khí trước khi lặn sâu xuống nước, xác định đàn cá và bắt đầu theo dõi.

Sau đó, lần lượt từng con sẽ bơi vòng quanh đàn cá và cố tạo ra những bong bóng khí, đóng vai trò giống như một chiếc lưới bao quanh đàn cá, bằng chiếc lỗ trên đầu của mình. Cả đàn cá voi đồng loạt trồi qua các bọt khí, mở rộng cổ họng hết cỡ để nuốt thật nhiều cá. Khi miệng chúng khép lại, nước tràn ra ngoài qua các hàm răng tấm sừng hay được gọi tấm lược thức ăn. Tấm lược có tác dụng giữ thức ăn lại và cho nước ra ngoài. Sự hợp sức đã giúp đàn cá voi kiếm được nhiều tấn thức ăn mỗi khi ra quân. Có như thế mới có thể nuôi sống được những kẻ khổng lồ của đại dương

Cá voi lưng gù là loài vật to lớn, dài ngang bằng một chiếc xe buýt nhưng lại nặng gấp 2 lần

Cá voi sát thủ là loài hữu nhũ sống hòa đồng và theo tổ chức xã hội. Chúng có đến 30 nhóm gia đình. Xoay tròn, huýt sáo, đập nước bằng đuôi… là những dấu hiệu giúp chúng liên lạc với nhau. Chúng sinh sống khắp mọi nơi từ cực Bắc đến cực Nam.

Mặc dù vùng nước Nam Cực có những món ăn khoái khẩu cho chúng, nhưng cá voi vẫn bơi đến đảo Păk-tơ-gô-nha để săn bắt hải cẩu con. Nhờ biết tận dụng các kỹ thuật và chiến thuật bắt mồi mà chúng vẫn thu tóm được hải cẩu dù con mồi đã bơi đến gần bờ.

Cá voi sát thủ

Trong điều kiện thích hợp, biển sẽ trở thành “món súp” đầy chất dinh dưỡng. Dòng nước ấm từ các vùng biển khác đổ về Bắc Cực, mang theo sự ấm áp và nhiều dưỡng chất có thể hỗ trợ cho những sự sống cực nhỏ.

Tổng trọng lượng của sinh vật trôi nổi và tôm tép nhỏ sinh sống khắp các đại dương trên thế giới có thể lớn hơn trọng lượng của cá voi, cá heo và các loài cá khác cộng lại, vì thế, sinh vật trôi nổi có mặt khắp nơi.

Khi những con cá voi Bô-hed, nặng hơn 100 tấn, săn tìm thức ăn thì không con mồi nào có thể thoát được. Lớp da của chúng dày hơn 50cm nên có thể bảo vệ chúng tránh cái lạnh trong dòng nước biển băng. Điều đáng ngạc nhiên là cá voi Bô-hed nặng gấp 2 lần cá voi lưng gù nhưng chế độ ăn của chúng chỉ là những đàn tôm tép nhỏ bé.

Mỗi ngày, một con cá voi Bô- hed tiêu thụ khoảng 2 tấn tôm tép. Chúng kiếm ăn bằng cách kéo lê cơ thể trong nước và nhờ vào cái miệng thật to và ngộ nghĩnh của mình. Cái tên “Bô-hed” của chúng xuất phát từ hình dạng của hàm dưới trông giống như một cánh cung, có thể vớt được nhiều tôm tép. Trong khi cá voi lưng gù săn thức ăn thành đợt thì cá voi Bô-hed lại đớp thức ăn liên tục.

Các răng tấm sừng hay tấm lược trong miệng cá voi Bô-hed có cấu trúc rất hoàn hảo, giúp chúng có thể lọc thức ăn dễ hơn. Các con mồi nhỏ sẽ bị mắc kẹt giữa các tấm lược rất dày trong khi nước được đẩy ra ngoài.

Cuộc sống nơi biển cả thật sự đầy nguy hiểm. Để sinh tồn, tất cả các loài không chỉ cần kỹ thuật chiến đấu, mà còn cần những mưu mẹo thật khôn ngoan.

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *