Với vẻ ngoài không khác gì một nhánh xương rồng di động, thằn lằn quỷ gai ở Australia được người dân bản địa coi là hiện thân của quỷ dữ.
Ở miền tây và trung Australia có một loài thằn lằn, được người dân bản địa coi là hiện thân của quỷ dữ. Đó là thằn lằn quỷ gai.
Thằn lằn quỷ gai (tên khoa học Moloch horridus) còn được gọi là thằn lằn gai, rồng gai hay thằn lằn Moloch. Chúng xuất hiện trên trái đất cách đây 18 triệu năm.
Với những chiếc gai nhọn trên cơ thể, trông chúng chẳng khác gì một nhánh xương rồng di động đầy màu sắc.
Cũng giống như họ hàng của đa số thằn lằn, thằn lằn quỷ có khả năng biến đổi màu sắc trên cơ thể để lẩn trốn kẻ thù.
Những chiếc gai nhọn giúp chúng bảo vệ mình trước sự tấn công của kẻ thù. Khi thấy những chiếc gai, kẻ thù của chúng phải ái ngại.
Gặp kẻ thù, thằn lằn gai cuộn tròn người, cụp đầu giữa chân trước và phô trương cái đầu giả (ở phía trên cổ) nhằm đánh lạc hướng kẻ thù.
Trong môi trường tự nhiên thằn lằn quỷ phải đối đầu với kẻ thù như chó hoang, chim săn mồi, rắn và nhiều loài vật khác.
Người ta thường bắt gặp chúng trên những sa mạc khô cằn. Tổ trú ẩn của chúng là những nơi có đất cát tơi xốp.
Món ăn yêu thích của thằn lằn gai là loài kiến đen. Chúng có thể ăn bất cứ khi nào gặp con mồi.
Các nhà khoa học đã tìm thấy 25.000 con kiến trong dạ dầy của chúng mỗi khi thực hiện thí nghiệm giải phẫu.
Vì sinh sống trong môi trường khắc nghiệt, khô hạn quanh năm nên loài này hấp thụ nước qua các hệ thống rãnh nhỏ trên da để vào cơ thể và qua miệng.
Những con thằn lằn quỷ thường có chiều dài từ 9 – 12cm và nặng gần 100g. Trong môi trường tự nhiên chúng sống tới hơn 20 năm.
Thằn lằn quỷ thường sinh sản vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Con cái có kích thước lớn hơn con đực.
Vào mùa đông con cái sẽ tự đào một hố sâu khoảng 5 – 10cm và đẻ trứng vào đó. Mỗi lần sinh nở thằn lằn gai cho ra đời từ 6 – 7 trứng.
Sau 4 tháng, thằn lằn con tự chui khỏi lớp vỏ ra ngoài. Một điều đặc biệt các con non sẽ tự ăn vỏ trứng của mình. Các nhà khoa học cho rằng đây là cách chúng tận dụng để dung nạp canxi.
Theo kienthuc