Loài rùa biển đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do chúng ăn phải những túi ni lông mà chúng nhầm tưởng là những con sứa, theo một báo cáo mới được đăng trên tờ Marine Turtle Newsletter.
Những mảnh nhựa vụn được tìm thấy trong dạ dày của một con rùa biển. Ảnh: seaturtle.org |
Trong khi kiểm tra đường tiêu hóa của một con rùa biển xanh mới trưởng thành, các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều mảnh nhựa vụn trong dạ dày của sinh vật này. Đây là bằng chứng cho thấy, rác thải nhựa đang đe dọa cuộc sống của các loài sinh vật biển.
Rùa biển thường nhầm tưởng túi ni lông là những con sứa – một trong những món ăn khoái khẩu nhất của chúng. Túi ni lông có thể làm tắc đường tiêu hóa của rùa biển, khiến chúng bị đói và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Theo báo cáo mới nhất đăng trên tờ báo chuyên về rùa biển Marine Turtle Newsletter, các nhà nghiên cứu cho hay, 75% số rùa biển xanh được kiểm tra đều có những mảnh vụn nhựa trong đường tiêu hóa. Những mảnh vụn này bao gồm túi ni lông, bóng bay, thảm trải sàn, cao su…
Rùa có thể bị tắc đường tiêu hóa khi ăn phải túi ni lông |
Tờ Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Colette Wabnitz, một thành viên nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học British Columbia (Canada), nói: “Cơ thể của phần lớn các loài động vật biển, bao gồm một số loài có nguy tuyệt chủng cao, hiện nay đều chứa các mảnh nhựa cho dù chúng sống khá xa môi trường sống của con người”.
Báo cáo trên cũng thống kê rằng, hiện tại, thế giới đang sản xuất ra khoảng 260 triệu tấn nhựa mỗi năm, trong khi đó, con số này chỉ vào khoảng 0,5 tấn vào năm 1950. Hơn 1 tỷ túi ni lông sử dụng một lần được thải vào môi trường mỗi ngày và 3/1000 túi ni lông bị vứt xuống biển.
Tiến sĩ Wallace Nichols, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết thêm: “Năm ngoái, tôi đã đếm được 76 túi ni lông bị vứt xuống biển chỉ trong vòng 1 phút tại Indonesia”.
Theo VNN