4/08, 10:12 am
Con ếch đầu tiên không có phổi đã được phát hiện ẩn nấp trong khu rừng Borneo, Indonesia. Loài lưỡng cư bí ẩn này, có tên là Barbourula kalimantanensis, vẫn thường lấy oxy qua da của chúng.
Các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy một trong những con ếch này vào 30 năm trước, nhưng do số lượng ít ỏi, nên họ chỉ bắt được một con và không hề tiến hành phẫu thuật.
"Không ai nghĩ đến việc mở phanh nó ra – họ chẳng hề tưởng tượng rằng nó lại không có phổi", nhà nghiên cứu David Bickford tại Đại học quốc gia Singapore cho biết.
Loài lưỡng cư này, dài không quá 5 cm, thường sống ở những con sông lạnh lẽo ở các vùng xa xôi thuộc rừng nhiệt đới Kalimantan, Borneo. Chúng rất trơn trượt và có thể nhảy rất nhanh. "Chúng tôi 11 người đi tìm kiếm loài ếch này và phải mất 2 tuần để tìm thấy được 1 con", Bockford nói.
Khi các nhà nghiên cứu bắt đầu phẫu thuật sinh vật bắt được, họ ngạc nhiên phát hiện nó không hề có phổi. Các cơ quan nội tạng khác thì cũng rất kỳ cục. Toàn bộ phần còn lại trong bụng bị thay đổi vị trí để lấp chỗ trống vốn dành cho phổi. "Vì thế chúng tôi nhìn thấy dạ dày, lá lách và gan nằm ở phía trên khoang phổi", Bockford nói. "Điều thú vị là chúng tôi cũng phát hiện thấy một số sụn khác thường nằm ở chỗ đáng nhẽ phải là phổi".
Theo các nhà nghiên cứu, việc không có phổi giúp loài ếch căng tối đa bề mặt da, giúp chúng hấp thu oxy tốt hơn. Nhóm cho rằng việc mất phổi có thể là một cách thích nghi với môi trường sống lạnh lẽo của chúng. Những vùng nước như vậy có hàm lượng oxy cao. Ngoài ra, các con ếch có thể bơi chìm dưới nước thay vì trôi nổi theo dòng chảy, nên việc không có phổi sẽ giúp chúng lặn tốt hơn.
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bí ẩn về loài ếch này. "Chúng ta thậm chí không biết chúng ăn gì? Chúng sinh hoạt và thu hút bạn tình thế nào? Trứng của chúng ra sao? Chúng có đẻ trứng, có sinh nòng nọc? Điều kiện sống của chúng là gì? Và còn lại bao nhiêu con?", Bickford nói.
Mục tiêu trước mắt của các nhà nghiên cứu là tìm kiếm thêm nhiều hỗ trợ để bảo tồn loài động vật quý hiếm này tại Borneo.
M.T. (theo Livescience)