Trái đất là một hành tinh lạ. Rất nhiều loài động vật tồn tại và mỗi loài có một lợi ích khác nhau, có thể bổ sung, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Những nhà làm vườn kỳ lạ sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm về thế giới những loài vật.
Trong những cánh rừng nhiệt đới có rất nhiều cây tầm gởi. Đó là một loại cây sống ký sinh, hút nhựa và chất dinh dưỡng từ cây chủ. Nhưng làm thế nào mà loại cây này có thể phát tán ra nhiều cánh rừng và phát triển rất rộng trên khắp thế giới? Đó nhờ vào một loại chim, được gọi là chim tầm gởi. Loài chim này chuyên lột vỏ trái cây tầm gởi và nuốt phần ruột kết dính ở bên trong. Nhờ hệ tiêu hóa đã được biến đổi của con chim, hạt tầm gởi chỉ mất khoảng nửa giờ di chuyển từ mỏ đến hậu môn. Con chim chỉ làm một việc đơn giản là chùi hậu môn và hạt tầm gởi dính lại trên cây, khi gặp điều kiện thích hợp, hạt tầm gởi sẽ nẩy mần, hình thành một cây tầm gởi con.
Giun đất là một sinh vật vô cùng hữu ích vì nó biến các chất hữu cơ thành phân trộn, thứ phân không thể thiếu đối với các nhà làm vườn. Phân giun đất rất tốt, có nhiều vitamin và khoáng chất rất cần cho cây phát triển. Giun có thể làm việc suốt ngày đêm và tiêu thụ hết tất cả chất hữu cơ từ lá cây đến xác các động vật.
Ong bắp cày cái không có cánh, nên nó phải bò lên cuống hoa để thu hút con đực bằng cách tỏa ra mùi hương là chất pheramon. Khi con ong bắp cày đực có cánh đáp xuống, nó sẽ dùng chân cắp con cái bay lên và giao phối trên không trung. Một loại hoa trông rất giống như con ong bắp cày và nó cũng tiết ra mùi hương giống như pheramon, điều này làm cho con ong bắp cày đực nhầm lẫn và cứ ra sức cắp cho được bông hoa bay lên. Con ong cứ đong đưa qua lại trong phạm vi của túi phấn kết dính. Phấn hoa đã dính trên lưng, nó lại bay đi tìm bông hoa khác. Vô tình nó để phấn hoa rơi vào cơ quan sinh sản của hoa cái khác. Quá trình thụ phấn của hoa được hình thành, tất cả nhờ vào sự cố gắng của con ong bắp cày.
Sung là một loại cây rất độc đáo vì hoa sung gần như hoàn toàn nằm trong trái, nên sự thụ phấn của nó rất cần đến con ong bắp cày. Con ong bắp cày nhỏ bé phải tìm cách mở một đường hẹp, đến nổi, nó phải bỏ lại đôi cánh. Tuy nhiên, nó vẫn có thể mang phấn đến trái khác vì phấn hoa được giữ trong những cái lỗ rỗng trên ngực. Ở bên trong quả sung, nó tìm nơi đẻ trứng, và trong suốt quá trình này, nó rắc phấn hoa lên cơ quan sinh sản của bông hoa cái. Nó dành trọn thời gian của đời mình sống trong những cây mà nó thụ phấn. Con của nó nở ra, lớn lên, thậm chí là kết bạn trong trái sung. Chúng chỉ rời khỏi ngôi nhà khi con đực đục một lổ trên thành trái, giải thoát cho thế hệ thụ phấn tiếp theo để con cái bay đi tìm những cây sung khác.
Hưu cao cổ là một nhà làm vườn chuyên tạo dáng cho cây, Chúng dùng cái lưỡi “cắt tỉa” thường xuyên nhằm tái tạo cảnh quan cho Châu Phi. Chúng rất thích ăn lá keo và có thể ăn đến 35 kg mỗi ngày. Với cái lưỡi dài đến 50cm, nên chúng ăn rất dữ dội. Trong nhiều năm được căt tỉa, những cây keo đã có hình dạng trong giống …cây dù. Chúng cứ cắt tỉa đến khi nào cái cổ cao của chúng không còn với tới những lá keo thì chúng đi tìm cây khác.
Vượn gorilla có thể nhai 20kg thực vật mỗi ngày. Nó tiêu thụ hơn 200 loài thực vật, nhưng nó không phải là loài vật tham ăn. Nó chọn lựa, cắt tỉa cho cây mọc trong khắp cánh rừng giống như loài hưu cao cổ đã làm. Nó có thể nhớ nơi nó đã từng ăn và tránh đi đến những khu vực đó để giúp cây phát triển trở lại. Sự cắt tỉa cẩn thận của vượn gorilla giúp kích thích sự phát triển trong cánh rừng. Chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát tán hạt của cây. Hoạt động tìm kiếm thức ăn của chúng giúp gieo trồng các loại cây trong cánh rừng một cách thật khoa học.
Với lịch sử phát triển hơn 50 triệu năm, loài kangaroo cổ xưa nhất sống trên thế giới có tên là hipssi, là một loài thú có túi bé nhỏ như chuột túi possum hay kangaroo. Nó rất thích ăn trái cây, khi trái cây dư thừa, nó chôn xuống đất . Mỗi mùa, nó có thể chôn hơn 700 loại trái cây khác nhau. Con hipssi lại có trí nhớ rất kém, nên những trái cây bị bỏ quên đã lên mầm, đôi khi nằm rất xa cây bố mẹ. Ở đây, những cây con sẽ sinh tồn rất tốt vì không cần cạnh tranh không gian sống, ánh nắng mặt trời và cả chất dinh dưỡng. Bằng cách trên, con hipssi đã giúp các cánh rừng tái sinh và phát triển không ngừng.
Mối là loài vật có thể biến phân thành nấm. Một con mối chúa có thể đẻ 15 quả trứng trong một phút, các con mối con lại rất háu ăn. Rắc rối là các con mối con không thể tiêu hóa được gỗ, nên mối chúa phải tìm những đống phân trâu, bò hay voi để sinh sống. Khi những con mối đã no nê, chúng sẽ bò vào những khu rừng trồng nấm để “đi vệ sinh”. Trên phân chúng sẽ mọc lên một loại nấm trắng rất quý, giúp người làm vườn ở đây có thu nhập cao nhờ vào mối.
Kiến “chanh” là tên gọi một loại kiến mà nộc độc của nó cũng không khác gì chanh. Kiến chanh trú ngụ bên trong thân của một loài cây duy nhất mọc trong khu vườn mà người dân gọi là khu vườn của quỷ. Chúng bảo vệ ngôi nhà của mình trước bất cứ kẻ xâm hại nào, thậm chí là tấn công loại kiến càn lớn vốn là đối thủ nặng cân của chúng. Mục đích của chúng là tạo ra một khu vườn có loài cây mà chúng sinh sống. Chúng được trang bị một loại thuốc diệt cỏ rất mạnh và ngòi đâm dùng tấn công cả động vật và thực vật. Tiêm nộc độc là một loại axit vào lá cây có thể nhanh chống xua đi mọi đối thủ. Đàn kiến có thể phát quang một vùng đất rộng lớn khoảng 130 m vuông. Một khu vườn có thể có đến 15 ngàn con kiến chúa và khoảng 3 triệu con kiến thợ. Trong suốt thời gian hàng thế kỷ qua, loài kiến này miệt mài diệt cỏ dại và trồng cây chủ, mở rộng diện tích khai phá.
Thu Thủy