Một số loài động vật trên Trái đất có những khả năng vô cùng đặc biệt. Đó là có thể hô hấp bằng hậu môn, "xì hơi" để bơi hay dùng phân để tự vệ, xây dựng "lâu đài"…Các khả năng này không chỉ giúp những sinh vật sinh tồn mà còn khiến chúng ta phải ngỡ ngàng, khâm phục trước sự thần kỳ của tự nhiên và tiến hóa.
1. Hô hấp bằng hậu môn
Rùa Fitzroy là loài rùa đặc hữu chỉ sinh sống ở phía Đông Nam Queensland, Australia. Loài rùa này không những nổi tiếng khắp thế giới vì độ quý hiếm mà còn bởi cách hô hấp vô cùng độc đáo – bằng hậu môn. Mặc dù có miệng hoàn thiện nằm trực tiếp ở trung tâm của khuôn mặt như đa phần các cá thể thuộc bộ rùa nhưng rùa Fitzroy đã phát triển để hít thở không khí thông qua bộ phận trong và ngoài hậu môn của nó.
Quan sát của các nhà khoa học cho thấy, ở mông của giống rùa này có một túi đặc biệt được gọi là một bursa, cùng hai cái nang lớn giúp cho chúng lấy oxi trong nước để kéo dài thời gian chúng lặn ở dưới nước.
Khi lặn dưới nước, rùa Fitzroy liên tục bơm nước vào hậu môn và gia tăng hô hấp. Chính vì thế, hiệu quả hô hấp của chúng tăng cao hơn nhiều so với các loài rùa khác. Ước tính số oxy thu thập qua hậu môn chiếm hơn 70% oxy mà rùa Fitzroy nạp vào cơ thể, gấp nhiều lần lượng không khí mà chúng thu vào qua đường miệng.
2. Tự vệ bằng phân
Đối với một con sâu bướm sơ sinh, để có thể sống sót là một thử thách vô cùng lớn. Đa phần sâu bướm chọn cách kín đáo quấn mình trong lá, thế nhưng đôi khi chúng vẫn bị ong bắp cày hay động vật khác truy tìm và ăn thịt.
Do đó ở các loài côn trùng, số lượng cá thể sống qua giai đoạn sâu để đóng kén chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, các con sâu bướm thuộc loài skipper đã tìm thấy một giải pháp đặc biệt để chống lại ong bắp cầy hay các loài động vật săn mồi khác. Đó là sử dụng chính phân của mình để tấn công những tay săn mồi lão luyện.
Mỗi khi skipper cảm thấy một mối nguy sắp đến, nó giơ mông lên như một khẩu súng và bắn phân ra về phía kẻ thù.
Chúng làm điều này nhờ vào việc tăng huyết áp dưới hậu môn, tạo ra một lực đẩy phân đi. Ước tính, khoảng cách bắn phân này dài gấp 40 lần chiều dài cơ thể sâu skipper và đủ sức gây choáng váng kẻ thù.
3. Dùng phân tạo bãi biển
Cá vẹt là loài sinh vật có vẻ ngoài rất ngớ ngẩn, ngu ngốc nhưng ẩn bên trong khả năng kiến tạo phi thường hiếm có. Chúng đã dùng phân của chính mình để xây dựng lên các bãi cát trắng đẹp nhất trên thế giới.
Nguyên nhân của khả năng độc đáo này là do cá vẹt rất thích ăn các khối san hô. Một khi nó tìm thấy một rạn san hô, chúng sẽ ăn và nhai ngấu nghiến. Tuy nhiên có một số lượng lớn đá vôi từ san hô mà cá vẹt không thể tiêu hóa được.
Tất cả đá vôi này sẽ đi qua đường tiêu hóa và được thải ra ngoài dưới dạng viên phân đặc biệt. Những viên phân có màu trắng và dễ nát ra thành hạt cát li ti, sau đó được sóng biển đưa đến các vịnh và bồi đắp thành bãi cát tuyệt đẹp.
Cá vẹt thông thường có thể sản xuất hơn 200kg cát/năm. Rất nhiều bãi biển nhiệt đới nổi tiếng ngày nay đều được tạo thành bởi phân của chúng.
Chính vì vậy, việc số lượng cá vẹt bị suy giảm nhanh chóng đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các bãi biển nhiệt đới.
4. "Xì hơi" để bơi
Bạn có bao giờ thắc mắc cơ chế nào giúp những chú lợn biển có thể di chuyển nhẹ nhàng trong nước với cơ thể khổng lồ như vậy. Câu trả lời sẽ làm nhiều người bất ngờ – lợn biển kiểm soát việc di chuyển của mình bằng việc liên tục xì hơi.
Cấu trúc ruột phức tạp của lợn biển có khả năng giữ hơi. Khi muốn chìm sâu chúng chỉ việc tăng không khí trong ruột, khi muốn nổi thì dồn không khí qua hậu môn, tạo thành một áp lực đẩy cơ thể lên cao.
Thức ăn của lợn biển là tảo hydrilla và hành nước – đây là loại thực phẩm tạo nhiều khí methane, giúp ích rất nhiều cho việc "xì hơi".
5. Xây lâu đài từ phân kháng sinh
Trong tự nhiên, loài mối được coi là những kiến trúc sư tài ba nhất. Chúng có khả năng tạo nên những tháp lớn từ đất, bùn, gỗ mục và thậm chí là từ phân với chiều cao có thể tới 7,5m, đường kính 12m và nặng đến hàng trăm tấn.
Dưới những cột tháp khổng lồ đó là cả một vương quốc lớn trong lòng đất với quy mô phức tạp. Đó là vô vàn đường hầm có tác dụng như ống dẫn để điều hòa không khí, nhiệt độ – ý tưởng mà mãi sau này con người mới lưu tâm đến trong tòa nhà của mình.
Ngoài ra, mối còn biết cộng sinh với vi khuẩn Streptomyces trong hệ tiêu hóa. Những vi khuẩn này cung cấp một nguồn kháng sinh trong phân của mối. Chúng sẽ sử dụng phân này để xây tổ và hoàn toàn yên tâm với "tòa lâu đài" miễn dịch với nhiều loại bệnh nguy hiểm. Do đó, tổ mối là nơi vô cùng bền vững và an toàn – có thể chịu được những tác động xấu nhất từ môi trường.
Theo kenh14