Công trình nghiên cứu mới cho rằng loài chim ngày nay có nguồn gốc từ cách đây 100 triệu năm – một thời gian dài trước khi khủng long tuyệt chủng.
Trong công cuộc tìm kiếm tổ tiên của loài chim hiện đại, các công trình nghiên cứu đã chỉ ra những kết quả trái ngược nhau của hóa thạch và phân tích di truyền. Nghiên cứu hóa thạch cho rằng loài chim hiện đại có nguồn gốc cách đây 60 triệu năm, sau khi giai đoạn Cretaceous kết thúc cách đây 65 triệu năm, cũng là giai đoạn loài khủng long tuyệt chủng.
Nhưng các công trình nghiên cứu phân tử lại cho rằng khác biệt di truyền của nhiều giống chim xảy ra vào giai đoạn Cretaceous. Và một công trình nghiên cứu mới dựa trên phân tử cho rằng tổ tiên loài này đã xuất hiện sớm hơn thời điểm đề xuất 40 triệu năm. Trong công trình này các nhà khoa học áp dụng một phương pháp mới: nghiên cứu tỉ lệ biến dị giữa các nhóm trong loài.
Một đôi vẹt đuôi dài Nam Mỹ màu đỏ bay qua Công viên Quốc gia Madidi ở Bolivia. Theo một công trình nghiên cứu di truyền mới, các loài chim hiện đại có thể có nguồn gốc từ 100 triệu trăm nay, từ lâu trước khi loài khủng long tuyệt chủng. (Ảnh: Joel Satore/NGS)
Theo Joseph Brown, trưởng nhóm nghiên cứu và là nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Michigan tại Ann Arbor: “Mục đích của nghiên cứu là đưa ra một câu trả lời dứt khoát cho kết luận từ hai nguồn thông tin.”
Công trình nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí BMC Biology.
Phương pháp xác định niên đại
Khi muốn xác định niên đại của các sự kiện sinh học, nhà di truyền học phân tử dựa vào một lý thuyết tên đồng hồ phân tử. Sau những khoảng thời gian dài, sự biến dị diễn ra ở một tần suất khá đều đặn. Bằng cách đo đạc mức độ biến dị di truyền, các nhà khoa học có thể đánh giá vào thời điểm nào trong quá khứ các loài rẽ nhánh.
Trong những nhóm có họ xa, ví dụ như những họ hoặc bộ chim khác nhau, đồng hồ phân tử “bất thường” hơn mọi người nghĩ. Có lẽ điều này xảy ra là do những dòng chim khác nhau có thể nảy sinh biến dị ở tần suất khác nhau, vì vậy áp dụng một tốc độ duy nhất cho cả họ có thể dẫn đến kết quả không đáng tin cậy.
Cách đánh giá được cải thiện
Công trình là cuộc điều tra sát sao đầu tiên về khả năng những giả định kém về dữ liệu di truyền của loài chim dẫn đến sự khác biệt lên đến 50 hoặc 60 triệu năm giữa kiểm tra hóa thạch và kiểm tra di truyền.
Lời giải thích khả dĩ nhất là hai nguồn thông tin này giải quyết những giai đoạn đa dạng hóa khác nhau.
Dữ liệu di truyền được sử dụng trong giai đoạn các bộ gien có chung một tổ tiên, điều này có thể đẩy lên sớm hơn sự phát triển loài mới. Còn hóa thạch thì chỉ ghi nhận sản phẩm của quá trình tiến hóa.
Patrick O’Connor, nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Ohio, Athens cho biết: “Có một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là những dữ liệu này không nhất thiết phải đáng tin hơn hóa thạch. Thông tin mà chúng ta có được từ hóa thạch và các loài động vật ngày nay là một bộ dữ kiện bổ sung mà chúng ta nên kết hợp hơn vào quá trình nghiên cứu so với hiện nay.”
Patrick cũng cho biết thêm: “Công trình khuyến khích các nhà cổ sinh vật học tiếp tục tìm kiếm những hóa thạch của loài chim hiện đại trong địa tầng thuộc giai đoạn Cretaceous. Điều quan trọng ở đây là đã có những hóa thạch ủng hộ quan điểm tiến hóa loài chim dựa trên tiến hóa phân tử. Công trình này đã chứng thực cho một số những phát hiện gần đây.”
Tuệ Minh (Theo National Geographic)