Cóc mía là một loài cóc thuộc chi Bufo. Chúng có tên gọi khác là cóc Neotropical khổng lồ hay cóc biển. Ngày nay chúng được gọi phổ biến bằng tên "cóc mía" vì một câu chuyện có liên quan đến chúng.
Cóc mía được biết đến là loài cóc khổng lồ có mặt trên trái đất hiện nay. Con cái thường có kích thước và trọng lượng lớn hơn con đực. Chúng có trọng lượng khi trưởng thành từ 1,5kg đến 2kg, chiều dài từ mõm đến hết hậu môn khoảng 15 – 20cm. Thậm chí, có mẫu nghiên cứu mà các nhà khoa học thu thập được có trọng lượng lên tới 2,65kg và dài 38cm (tính từ mõm đến hậu môn).
Tuổi thọ của loài này đạt từ 10 đến 15 năm trong môi trường tự nhiên. Trong môi trường bán tự nhiên chúng có thể sống trên 35 năm. Cóc mía có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ. Chúng được đưa vào châu Úc từ năm 1920 với mục đích ban đầu giúp người nông dân trồng mía trên vùng đất này tiêu diệt bọ cánh cứng. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị "phá sản" bởi một lẽ bọ cánh cứng thường sống trên đỉnh ngọn mía.
Còn các chú cóc với thân hình khổng lồ lại thường sống dưới mặt đất, nơi có nhiều cây cối, có độ ẩm cao, sình lầy và kênh rạch. Da của chúng sần sùi và có chứa nhiều độc tố. Từ khi xuất hiện loài này, những con vật bản địa như chó, mèo, gà, rắn, thằn lằn thậm chí cả một số loài ếch khác đã giảm số lượng đáng kể.
Kể từ khi còn là nòng nọc loài cóc mía đã là mối đe dọa cho nhiều loài khác nếu vô tình xơi phải vì lượng độc tố cực mạnh của loài này. Khi còn là nòng nọc chúng thường sống thành từng đàn, dưới nước và có chiều dài khoảng 25mm.
Số lượng cóc mía ngày càng gia tăng và trở thành mối đe dọa cho hệ sinh thái tại Australia. Cóc mía cái là những bà mẹ vô cùng mắn đẻ. Mỗi lứa chúng cho ra đời từ 8.000 – 25.000 ngàn trứng. Với nọc độc sẵn có cùng sự phàm ăn của loài này, xơi gần như tất cả các loài động vật còn sống hay đã chết, chúng phát triển theo cấp số nhân.
Cóc mía có thể sống ở môi trường từ 10 độ C – 59 độ C. Sự phát triển của chúng gần như không gặp phải sự cản trở nào, vì vậy cóc mía đã gần như trở thành loài "thống trị" và hiện đang hoành hành trên nhiều vùng đất Autraslia. Vì mối nguy hiểm đe dọa đến các loài khác mà Ủy ban Bảo tồn động vật hoang dã Florida đã khuyến cáo người dân tiêu diệt chúng.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho thử nghiệm một lượng độc tố nhỏ trên cơ thể người cho thấy chúng có tác dụng tương đương heroin. Ngoài ra, chúng còn được chế biến và chiết xuất thành chất có tính năng như thuốc kích dục.
Người ta đã lột da và dùng thịt của chúng làm thức ăn. Tuy nhiên, do không cẩn trọng trong khi chế biến, đã có nhiều vụ ngộ độc cóc mía xảy ra trên đất nước này. Hiện chính phủ Australia đang đau đầu trong việc kìm hãm sự phát triển của cóc mía, và bảo vệ vật nuôi trong vùng đất này.
Theo VTC