5/08, 7:49 am Khúc tình ca chiến lược thầm kín của các loài chim

Một nghiên cứu mới đây phát hiện cách những con chim đực tán tỉnh, đeo đuổi con cái không khác gì cách mà các công ty điện thoại hấp dẫn khách hàng.

Nếu tất cả các công ty đó đều cung cấp cùng một những mặt hàng như nhau thì sẽ dễ dàng hơn để so sánh và chọn ra cái tốt nhất từ đó nhanh chóng xóa sổ những kế hoạch kinh doanh tốn kém. Trên thực tế, các nhà cung cấp lại đưa ra những loại hình khuyến mãi khó mà so sánh được – một số nhà cung cấp miễn phí cuộc gọi cho bạn bè, số khác lại không giới hạn thời gian gọi vào giờ thấp điểm hay điện thoại đường dài.

Tương tự như thế, những con chim đực không thể cạnh tranh bằng cách hót một khúc ca duy nhất sẽ phải chuyển sang một giai điệu khác nhằm tiếp cận và thu hút con cái. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tập hợp những con đực mà con cái đem ra so sánh cũng giống như những khách hàng mua điện thoại so sánh các chiến lược kinh doanh.


Chim sẻ ngô (Ảnh: 10000birds.com)

Nhà nghiên cứu David Logue kiêm nhà sinh thái học hành vi tại đại học Lethbridge (Canada) cho biết: “Nếu một con đực hót hay hơn đối thủ, nó có xu hướng áp dụng kiểu cách của đối thủ để con cái có thể dễ dàng so sánh và biết được con nào hót hay nhất”.

Nhưng nếu một con đực biết được rằng nó có thể bị đánh bại, “vận may lớn nhất dành cho nó chính là phải cố gắng đánh lừa con cái bằng cách hót một giai điệu hoàn toàn khác. Nếu con cái không thể so sánh hai giai điệu khác nhau, nó có thể nhầm lẫn mà chọn kẻ kém cỏi hơn”.

Trong trường hợp của các loài chim biết hót và các công ty điện thoại, theo nhà nghiên cứu Wolfgang Forstmeier cũng là nhà sinh thái học hành vi tại viện Điều cầm học Max Planck (Đức): “Khách hàng cũng như những con chim cái đều muốn có được hợp đồng béo bở nhất trong khi phía quảng cáo lại muốn bán được sản phẩm – hay đối với loài chim chính là tinh trùng của những con chim đực – mà không cần quan tâm đến liệu khách hàng có được nhận được những điều kiện tốt nhất hay không."

Điều này có thể giải thích tại sao các loài chim biết hót phải tiến hóa với việc học cách hót nhiều giai điệu khác nhau. Forstmeier cho biết: “Học nhiều giai điệu mang lại cho con đực thêm cơ hội. Chúng có thể theo được kiểu cách của đối thủ trong khi vẫn tránh được tình trạng bị khớp với những con khác tiềm năng hơn.”

Điều này cũng có thể đúng với những cách thức phô bày của động vật, ví dụ như những điệu nhảy bắt mắt hay những đường kẻ sọc rực rỡ. Thay vì cố gắng rồi thất bại trong việc trở thành kẻ hoàn hảo, một số con đực lại chọn con đường đổi mới.

Forstmeier nói rằng: “Có thể tín hiệu mới đã tiến hóa vì nó mang lại lợi ích cho những con đực yếu kém”. Miễn là những con chim cái hay các khách hàng điện thoại vẫn duy trì xu hướng chọn những mặt hàng lớn hơn, tốt hơn “thì luôn tồn tại cơ hội cho những chỉ thị về chất lượng đối với con cái cũng như khách hàng."

Để có được bằng chứng cho giả thuyết này, lựa chọn sẽ hướng vào các loài chim thường được nghiên cứu tiếng hót như tiếng hót của loài chim sẻ, chim sẻ ngô hay chim hồng tước. Logue cho biết: “Câu hỏi quan trọng đầu tiên chính là liệu những chàng ca sĩ yếu kém có thể đem đến sự mới lạ trong tiếng hót của chúng hay không”.

Logue và Forstmeier đã trình bày chi tiết những phát hiện của mình trên số ra tháng sáu trên tờ American Naturalist.

Trà Mi (Theo LiveScience)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *