Chuyên gia Robert Sayfarth về giao tiếp xã hội của loài khỉ bắt đầu bài giảng của mình vào ngày 5 tháng 5 – ngày bắt đầu năm Darwin tại trường Đại học Delaware – với một câu chuyện có thực được ghi lại vào năm 1961 về một con khỉ đầu chó cái sống thành bầy đàn với những con dê tại một ngôi làng Châu Phi.
Con khỉ đầu chó nói trên biết rõ mọi mối quan hệ giữa những con dê đến nỗi mà vào ban đêm nó có thể mang một con dê non kêu be be từ nhà kho này đến thẳng chỗ mẹ nó ở nhà kho khác.
“Suốt quãng thời gian nhiều thế kỷ qua, chúng ta thuần hóa loài chó, không con chó nào nhận thức được mối liên hệ giữa mẹ và con non như thế. Câu hỏi là khả năng này bắt đầu từ đâu?”, Seyfarth – giáo sư tâm lý học tại Đại học Pennsylvania cho biết.
Seyfarth đưa 200 người đến thế giới lôi cuốn của những con khỉ đầu chó tại đồng bằng Okavanga tại Botswana nơi ông và Dorothy Cheney – cộng sự nghiên cứu kiêm giáo sư tại Đại học Penn cũng đồng thời là bạn đời của ông – tiến hành nghiên cứu từ năm 1992 đến 2008.
Dựa trên nghiên cứu của họ, Seyfarth cho biết, ông và Cheney cho rằng, khả năng nhận diện các mối quan hệ xã hội của khỉ đầu chó chính là kết quả của chọn lọc tự nhiên. Đây là một quá trình trong tự nhiên, thuận theo thuyết tiến hóa của Darwin, trong đó chỉ có những cá thể thích nghi tốt nhất với môi trường của chúng mới có thể tồn tại và sinh sản được.
Những con khỉ đầu chó mà Seyfarth và Cheney nghiên cứu sống trong bầy đàn gồm 80 đến 90 con. Các con đực rời đàn chúng được sinh ra trong khi các con cái sống cùng với bầy đàn suốt cả cuộc đời với những mối liên hệ chặt chẽ với các con cái họ hàng khác.
Khỉ đầu chó cái được sắp xếp theo phân tầng mẫu hệ với các thứ bậc được duy trì qua nhiều năm. Mặc dù một khi có hành động “đảo chính” xuất hiện thì thường không thành công. Seyfarth cho biết: “Các gia đình gắn bó với nhau. Quy định tại đây là đối xử tốt với họ hàng và thuận theo những họ hàng có thứ bậc cao”.
Khỉ đầu chó mẹ cùng con con tại châu thổ Okavanga tại Botswana. (Ảnh: Đại học Delaware) |
Trong các thí nghiệm, Seyfarth và Cheney đã quan sát những con khỉ đầu chó mang tên Sylvia, Champagne và Helen đồng thời ghi lại ngôn ngữ của chúng bao gồm không hơn 18 âm cũng như sự tương tác của chúng với gia đình.
Họ phát hiện thấy, khỉ đầu chó sử dụng những tiếng gọi nhất định chỉ trong những hoàn cảnh nhất định. Tiếng hét và những tiếng kêu sợ hãi chỉ được phát ra từ những con có thứ bậc thấp tới những con có thứ bậc cao, trong khi những tiếng gầm gừ đe dọa là là đặc trưng của những con thứ bậc cao đối với những con ở vị trí thấp hơn.
Bằng cách ghi lại các tiếng gọi khác nhau rồi mở lại những âm thanh đó trong các tình huống phá vỡ quy luật, các nhà khoa học đã xác định được các yếu tố rõ ràng về nhận dạng, mối quan hệ họ hàng và thứ bậc trong hành vi của những con vật mà khỉ đầu chó có thể xâu chuỗi lại với nhau.
Seyfarth cho biết: “Bằng cách nào đó những con khỉ đầu chó đã nhìn thế giới với đầy đủ sự phức tạp. Đó là một khả năng bẩm sinh của khỉ đầu chó, nó được thực hiện một cách vô thức và ngay lập tức”.
Những nhân tố xã hội nào có ảnh hưởng đến khỉ đầu chó? Seyfarth và Cheney đã tiến hành đo mức độ stress của chúng bằng cách phân tích mẫu hoocmon stress gluccocorticoid trong phân của chúng. Họ phát hiện thấy, mang thai và các cuộc tấn công là những yếu tố gây stress chính. 95% số khỉ đầu chó chết do bị săn đuổi, chủ yếu là do sư tử.
Bên cạnh đó, một số con đực thứ hạng cao cũng có hành vi giết con non. Các con cái có thể thiết lập các mối quan hệ với những con cái thứ hạng thấp để chúng giúp trông nom con non. Cũng giống như ở con người, sự mất mát người thân là một điều gây đau khổ lớn.
Theo Seyfarth, “các con cái phản ứng với stress bằng cách phối hợp với những người họ hàng gần gũi nhất. Chúng hướng tới mạng lưới hỗ trợ của mình khi bị mất người thân. Chúng mở rộng và thay thế các mối quan hệ cũ bằng những mối quan hệ mới. Khỉ đầu chó cái có sự liên kết xã hội chặt chẽ có khả năng tồn tại tốt hơn”.
Nghiên cứu này được nhấn mạnh trong cuốn sách “Baboon Metaphysics: The Evolution of a Social Mind”, do nhà xuất bản Đại học Chicago xuất bản năm 2007. Hỗ trợ cho nghiên cứu còn có các tài liệu do Văn phòng Provost, Đại học Nông nghiệp và Tài nguyên tự nhiên, Chương trình chính sách công cộng và Đạo đức khoa học cung cấp. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các phòng ban sau: Khoa học sinh học, Tiếng Anh, Địa Lý, Khoa học Địa lý, Khoa học Ngôn Ngữ và Nhận Thức, và Khoa triết học.
Theo khoahoc (ScienceDaily)