1/08, 10:04 am Khám phá thế giới của các loài tê giác

Tê giác là một trong những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới do nạn săn bắn tràn lan. Sừng của nó bị săn lùng vì được cho rằng có chức năng giúp đàn ông tăng khả năng trong cuộc sống chăn gối theo quan điểm của y học phương Đông.


Hai mẹ con tê giác đang ung dung uống nước tại khu Pretoriuskop thuộc Công viên quốc gia Kruger, Nam Phi. Đây là nơi có nhiều loài cây cối đặc hữu bản địa và là địa bàn sinh sống của số lượng lớn tê giác trắng và tê giác đen. Ảnh: South Africa Tour.


Một con tê giác mẹ 39 tuổi thuộc loài tê giác Ấn Độ đang giúp đứa con tập đi tại vườn thú Miami Metrozoo, bang Florida, Mỹ. Ảnh: Kitty.


Cận cảnh chiếc đầu xù xì của một con tê giác đen trưởng thành. Hai cái sừng của nó là đối tượng săn lùng của các tay buôn lậu. Ảnh: Wikipedia.


Họ tê giác (Rhinocerotidae) có 5 loài còn tồn tại gồm: tê giác trắng, tê giác đen, tê giác Sumatra, tê giác Ấn Độ và tê giác Java. Hai loài còn nhiều cá thể hơn cả là tê giác đen và tê giác trắng sống tại nam phần châu Phi. Tê giác trắng như trong ảnh thực ra có màu da xám. Ảnh: Wikipedia.


Còn đây là một con tê giác đen nhưng có màu da không khác mấy so với tê giác trắng. Khác biệt chính giữa hai loài là tê giác trắng có phần môi rộng, trong khi môi tê giác đen nhọn hơn. Toàn bộ 5 loài tê giác đều đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó tê giác Java có nhiều cơ biến mất nhất do chỉ còn một số lượng rất nhỏ (khoảng 60 cá thể vào năm 2002). Ảnh: Wikipedia.


Tư thế ngủ của hai con tê giác đen. Loài tê giác này từng sống rải rác khắp nam phần châu Phi với số lượng hàng nghìn con. Nhưng ngày nay chỉ còn những nhóm nhỏ tê giác đen được tìm thấy tại các nước Zimbabwe, Nam Phi, Kenya, Namibia và Tanzania do nạn săn bắn lấy sừng. Ảnh: Justin.


Hai mẹ con nhà tê giác trắng trên đồng cỏ. Theo y học cổ truyền châu Á, sừng tê giác có tác dụng làm cường dương nên nó trở thành mặt hàng có giá thành cao tại thị trường đen. Ngoài ra sừng tê giác còn là vật liệu quý để chế tạo cán dao găm ở Yemen và Oman. Sừng tê giác được cấu tạo từ chất keratin rất rắn chắc. Ảnh: Rhinos.


Cận cảnh lớp da đặc trưng của tê giác có độ dày từ 1,5 đến 5 cm. Ảnh: Wikipedia.
Đặc trưng nổi bật của loài động vật có sừng này là lớp da bảo vệ được tạo thành từ các lớp chất keo với độ dày tối ưu khoảng 5 cm, được sắp xếp theo cấu trúc mắt lưới. Ảnh: Wikipedia.


Hai trong số những cá thể tê giác vốn đang ngày càng thu hẹp tại Ngorongoro Crater, Tanzamia. Các chiến dịch bảo vệ tê giác được khởi động từ những năm 1970, nhưng quần thể tê giác vẫn tiếp tục suy giảm nghiêm trọng. Việc buôn bán các bộ phận cơ thể tê giác bị cấm theo các công ước CITES, nhưng việc săn bắn trộm lấy sừng vẫn là mối đe dọa nguy hiểm nhất cho tất cả các loài tê giác. Ảnh: Wikipedia.

Đình Chính – Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *