Tự phát sáng để đe dọa kẻ thù, bắn nọc độc vào con mồi, di chuyển nhanh hay tự thích nghi với môi trường sống là những khả năng kỳ lạ của nhiều loài ốc sên.
1. Ốc sên tự phát sáng
Loài ốc sên Clusterwink có màu xanh vàng được tìm thấy ở Australia. Loài ốc sên này có khả năng đặc biệt đó là tự phát ra một loại ánh sáng xanh khi bị quấy rầy bởi các tác động bên ngoài. Đến nay, khả năng phát sáng của ốc sên Clusterwink vẫn còn là một bí ẩn với các nhà khoa học. Họ giả định rằng đây có thể là công cụ giúp chúng báo động, liên lạc với đồng loại hay gây sợ hãi cho kẻ thù.
2. Ốc sên vỏ siêu cứng
Crysomallon squamiferum, tên thường gọi là ốc sên chân vảy, thường sống ở độ sâu khoảng 2.400 m so với bề mặt đại dương. Loài ốc sên này có vỏ siêu cứng được làm cấu tạo từ 3 lớp, giúp chúng chịu được những tác động mạnh và tránh sự tấn công của kẻ thù, trong đó lớp ngoài cùng cấu tạo từ sắt sunfua và lớp xốp giữa có chức năng giảm sốc. Cấu tạo lớp vỏ tinh vi của loài ốc sên tạo cảm hứng nghiên cứu cho các nhà khoa học để áp dụng thiết kế các loại áo giáp trong quân đội.
3. Ốc sên trong suốt
Zospeum tholussum là loài ốc sên trong suốt mới được phát hiện tại khu vực hang động sâu nhất thế giới ở Croatia. Do điều kiện không có ánh sáng, chúng không có mắt và không có sắc tố trong vỏ và thịt. Zospeum tholussum di chuyển cực kỳ chậm, có khi chỉ di chuyển được vài cm trong một tuần. Tuy nhiên, chúng có thể đẩy nhanh tốc độ bằng cách “quá giang” các động vật có vú hoặc trôi theo hệ thống thoát nước của hang động.
4. Ốc sên di chuyển cực nhanh
Hầu hết các loài ốc sên khi chạm trán kẻ thù thường chọn giải pháp thu mình trong vỏ với hy vọng thoát chết, do đặc thù về tốc độ di chuyển chậm khiến chúng không thể chạy trốn. Tuy nhiên, loài ốc sên vỏ hình nón sống tại Australia là một ngoại lệ. Khi phát hiện kẻ thù, chúng mở rộng chiếc chân giả có nước nhầy và nhảy liên tục đến nơi an toàn, thậm chí chúng còn có thể di chuyển cực nhanh để lẩn trốn.
5. Ốc sên nhả bọt bong bóng
Loài ốc sên tím Janthina janthina có thể tiết ra nhiều lớp bong bóng nhầy giúp chúng treo ngược và trôi nổi trong đại dương theo các con sóng biển. Những lớp bong bóng này không chỉ giúp chúng di chuyển mà còn là công cụ giúp chúng giữ trứng ốc sên.
6. Ốc sên sống trong đường ruột của chim
Ốc sên mắt trắng Nhật Bản thường là thức ăn của các loài chim. Tuy nhiên, khoảng 15% số ốc sên sau khi bị chim mổ và nuốt vào bụng vẫn may mắn sống sót trong ruột của con chim. Sau khoảng 40 phút kể từ khi nuốt con mồi, con chim sẽ bài tiết các loại thức ăn có trong đường ruột. Theo sự di chuyển của chim, các con ốc sên may mắn sống sót và được thoát ra ngoài có thể bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi khác.
7. Ốc sên có cánh
Nhờ đôi cánh nhỏ trong suốt, ốc sên biển Thecosomata có thể trôi trong lòng đại dương. Mặc dù là nguồn thức ăn ưa thích của nhiều động vật như cá voi, chim cánh cụt và hải cẩu, nhưng nhờ có khả năng sinh sản nhanh nên chúng vẫn tồn tại và sinh sôi với số lượng ổn định. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng sự ấm lên toàn cầu dẫn đến tăng lượng khí thải CO2 sẽ làm tăng tính axit của đại dương, khiến cho vỏ của ốc sên bị nứt, biến dạng và hòa tan.
8. Ốc sên thích nghi với môi trường sống
Ốc sên Lymnaea pereger là loài động vật chân bụng sống phổ biến trong các hồ nước ở Anh, có khả năng đặc biệt thích ứng với môi trường sinh sống. Các nghiên cứu cho thấy khi loài ốc sên này sống chung với cá, chúng có khả năng thay đổi màu sắc và thậm chí cả vỏ cứng từ dạng xoắn ốc sang dạng tròn nhằm đối phó với kẻ thù.
9. Ốc sên có độc
Ampullariidae, thường được gọi là ốc sên táo, là một trong những loài có chất độc mạnh. Trong trứng của loài ốc sên này có hai loại độc đặc biệt là antinutritive và antidigestive, khiến đối tượng ăn phải trứng bị rối loạn tiêu hóa và không thể hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết khi ăn uống. Chất độc trong trứng của ốc sên táo có chứa trong thực vật hoặc do vi khuẩn tạo ra, còn trong thế giới động vật, chúng là loài duy duy nhất chứa chất độc này.
10. Ốc sên phóng độc
Ốc sên nón sở hữu vũ khí lợi hại là chiếc răng có hình dáng như một cây lao để săn mồi. Khi một con mồi bơi lại gần, ốc sên nón sẽ mở rộng phần vòi nhỏ và phóng chất độc. Sau khi bắn trúng, ốc sên nón sử dụng "cây lao" để kéo con mồi. Loài sên này có thể bắn "cây lao" chứa nọc độc vào mồi với tốc độ 400km/h.
Theo VnE