Là thú, nhưng dơi lại sử dụng cơ chế khí động học giống như côn trùng để lơ lửng trên không trung.
Viết trên tạp chí Science, nhóm nghiên cứu từ Thuỵ Điển và Mỹ cho biết sinh vật này vỗ cánh hướng xuống dưới, tạo ra một lốc xoáy khí nhỏ xíu, còn được gọi là "lốc rìa cánh". Chính lốc xoáy này đã sinh ra lực nâng đủ giúp nó ở trên không khi đang lượn hoặc bay chậm.
Mẹo này trước kia từng được bắt gặp ở côn trùng, nhưng chưa ai thấy các sinh vật cỡ lớn và nặng hơn áp dụng.
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đặt một loạt các đĩa thức ăn là nước mật vào một kênh gió, và sử dụng các camera tốc độ cao, laser và sương mù để nghiên cứu cách bay của dơi.
Khi lần theo sự phân bố của các hạt sương mù, họ suy ra rằng các lốc ở rìa cánh tạo ra 40% lực nâng giúp dơi ở được trên không.
Động vật này vẫn thường sử dụng các ngón chân giấu trong lớp màng da mỏng manh của cánh để thay đổi độ cong của cánh, và tạo ra lực nâng cần thiết cho việc lơ lửng. Côn trùng có cánh dày hơn dơi và không thể kiểm soát sự chuyển động theo cách tương tự. Nhưng chúng cũng có thể tạo ra lốc ở rìa cánh vì chúng vỗ cánh rất nhanh.
Phát hiện này có thể được dùng để cải tiết thiết kế của các máy bay nhỏ sử dụng trong do thám.
T. An (theo BBC)