Khác với phần lớn động vật, loài rầy mềm thường sử dụng xác của chính đồng loại để làm "bửu bối" lẩn tránh kẻ thù.
Rầy mềm, ở Việt Nam còn gọi là thành trùng, là một loại côn trùng thân nhỏ mềm, hình cầu, có chiều dài 2 đến 2,5 mm. Con cái không có cánh, kích thước nhỏ hơn con đực. Chúng có đầu hơi nhọn hình kim, ống bụng hơi phồng ở giữa. Rầy mềm không đẻ trứng mà sinh con. Rầy mềm sống thành từng đàn và số lượng của chúng phát triển rất nhanh. Vòng đời của rầy chỉ diễn ra trong 8 đến 10 ngày.
Ong ký sinh thường đẻ trứng vào bên trong cơ thể ấu trùng rầy mềm và nhiều côn trùng có hại khác (bướm trắng, sâu keo, sâu bông, bướm ngũ sắc). Khi trứng nở, ong con ăn thịt ấu trùng từ bên trong trước khi thoát ra ngoài.
Trong khi đó, thông thường, khi một động vật ăn cỏ như hươu hoặc thỏ gặp xác đồng loại, chúng luôn bỏ chạy theo bản năng. Đó là phản xạ mà Yannick Outreman – một nhà khoa học của Đại học Agrocampus Ouest – Pháp và cộng sự dự đoán ở rầy mềm. Tuy nhiên, trên thực tế, họ nhận thấy loài này thường đậu sát hoặc ôm xác của những con rầy chết vì ong.
Một con ong đang đẻ trứng vào cơ thể rầy mềm. Khi trứng nở, ong non ăn thịt rầy từ bên trong rồi thoát ra ngoài. Ảnh: National Geographic. |
Rầy mềm sinh sản rất nhanh và có thể đẻ ra con non có cánh hoặc không có cánh. Cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa giải thích được hiện tượng này. Outreman hy vọng rằng, những con rầy mềm, sống trong khu vực có nhiều ong, thường sinh con non có cánh để chúng có thể bay tới nơi an toàn hơn.
Nhưng kỳ lạ thay, lũ rầy cái trong vùng có nhiều ong lại sinh ra những con không có cánh. “Chúng tôi nhận thấy ong ký sinh có xu hướng bỏ qua những cây có xác rầy, nhưng chúng luôn quan sát kỹ lá và cành nếu không thấy xác. Có lẽ khi nhìn thấy xác rầy mềm, ong ký sinh cho rằng những con vật đó đã bị ong khác đẻ trứng nên chúng bỏ qua”, Outreman nói.
Sau một thời gian dài quan sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy, nguy cơ bị ong tấn công của rầy mềm đậu gần xác đồng loại giảm tới 30% so với khi chúng đứng ở nơi không có xác. Họ cho rằng, cơ hội sống sót của rầy mềm tăng lên khi chúng đậu gần xác đồng loại và bản năng sinh tồn đã dạy chúng điều đó.
Theo VnExpress