Hai nhà khoa học thuộc Đại học California được cử gấp đến để tìm hiểu hàng chục cái chết bí ẩn xảy ra tại một bộ lạc thổ dân da đỏ sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở Venezuela. Mất trí, sợ nước khủng khiếp… đó là triệu chứng. Kết quả nghiên cứu có tính phát hiện: những người đó chết vì mắc bệnh dại do bị một loài dơi hút máu tấn công.

Trường hợp 38 cái chết chưa rõ nguyên nhân của 38 người da đỏ ở bộ lạc Warao trong 3 năm qua thách thức các nhà y học. Ngứa ran ở chân. Sốt, co giật, bại liệt, mất trí và co rúm người khi trông thấy nước. Hai nhà nghiên cứu Charles Briggs và Clara Mantini-Briggs là một cặp vợ chồng từ Trường Đại học Berkeley thuộc Đại học California đã tình nguyện lên đường đến tận nơi để tìm hiểu hiện tượng bí mật này.

Từ trước đến nay, người ta chỉ biết đến chó, mèo là tác nhân làm lan truyền bệnh dại, chứ không phải dơi

Họ nhận thấy những triệu chứng của các bệnh nhân trước khi chết đều giống nhau: sốt, chân tay run rẩy, tiếp đó là bại liệt, mất trí, sợ nước một cách khủng khiếp, ngạt thở rồi chết.

Nhà nghiên cứu Charles nhận xét: “Các triệu chứng đó hoàn toàn giống các triệu chứng của bệnh dại, bắt đầu từ sốt, đau đầu, mệt mỏi và tiến triển dần tới các hệ hô hấp, ruột/dạ dày và hệ thần kinh trung ương. Tại giai đoạn nghiêm trọng nhất, xuất hiện tình trạng điên cuồng (triệu chứng dại điên cuồng) hoặc tê liệt (triệu chứng dại câm lặng). Cả hai triệu chứng này (tê liệt thường diễn biến thành liệt hoàn toàn) đều đưa đến suy hô hấp và không thở được nữa, tiếp theo là hấp hối và tử vong không tránh khỏi sau 7 ngày”.

Tại bộ lạc Warao hoàn toàn không thấy một con chó và mèo nào và những người chết không ra khỏi khu vực mình cư trú. Quan sát các vết cắn, hai nhà nghiên cứu lần tìm ra thủ phạm: trong những khu rừng rậm nhiệt đới có loài dơi, ban đêm thường xuất hiện. Bệnh dại chính chúng mang lại. Nghiên cứu của họ được khẳng định và mang tính phát hiện: dơi là tác nhân làm bệnh dại lan truyền.

Người bị chết vì bệnh dại có nhiều không?

Theo thống kế của Tổ chức y tế thế giới (WHO) mỗi năm ở châu Á có 31.000 người và châu Phi có 24.000 người bị chết vì bệnh dại, nhưng tất cả đều bị chó dại cắn. Nhưng ở Venezuela thì lại khác. Người chết vì bệnh dại lại do dơi.

Dơi là sinh vật đặc hữu tại các khu rừng nhiệt đới và chúng là nguyên nhân làm lây truyền bệnh dại tại bộ lạc người da đỏ tại Venezuela

Dơi hút máu là một loài sinh vật đặc hữu tại những khu rừng mưa nhiệt đới, nơi thiếu các điều kiện chữa chạy kịp thời. Chúng thường đột kích các gia súc vào ban đêm, khi các gia súc đang ngủ, cắn bằng những chiếc răng sắc như dao và trong nước bọt của chúng có chứa một chất chống đông máu khiến chúng có thể hút thoải mái máu của các con vật bị hại. Sau khi no nê, chúng bay về tổ và đêm hôm sau lại “xuất quân”.

Dơi hút máu không tha người. Trong một xóm ở Venezuela có 80 người thì 8 người chết vì bệnh dại do dơi cắn, hầu hết là trẻ em.

Bác sĩ Charles Rupprecht, Chủ nhiệm Chương trình chống Dại tại Trung Tâm Phòng chống bệnh tại Atlanta, bang Georgia cho hay rằng, bệnh dại đã từng biến thành dịch ở Brazil, Peru nhưng người ta chưa nghĩ đến những loài dơi sống trong rừng rậm. Ông cũng khuyên để phòng dơi cắn ngủ phải mắc màn (thường không phải là thói quen của các thổ dân da đỏ) và phải coi tiêm chủng là một biện pháp tích cực để ngăn ngừa sự bùng phát của bệnh dại do dơi cắn này”.

Theo VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *