Đầu rồng là loài chim có mặt trên khắp các lục địa từ Âu, Á, Phi đến châu Đại dương, từ núi cao như Himalaya, rừng già, ven biển, đến xóm làng gần gũi với con người. Chúng có đặc điểm dễ nhận biết là chiếc “vương miện” màu hung nhạt phớt hồng, nên nhiều vùng miền gọi chúng là chim đầu rìu hoặc đầu rồng.

Đầu rồng được chia thành chín phân loài, cũng là loài chim mà do các nhà khoa học tranh cãi chưa ngã ngũ, nên vừa được xếp vào họ hồng hoàng vừa có mặt trong họ đầu rìu!

Do đầu rồng là loài chim hiền lành, để sinh tồn ở chúng đã phát triển một hệ thống tự vệ rất độc đáo: khi chim mẹ ấp trứng và ở chim non vừa nở, các tuyến trên cơ thể chim toát ra một chất lỏng có mùi hôi giống như thịt thối, khiến kẻ thù phải “bịt mũi bỏ chạy”! Chất này còn có tác dụng ngăn chặn ký sinh trùng và kháng khuẩn. Khi chim non rời tổ thì các mùi hôi này mới hết. 

Đầu rồng làm tổ trong bọng cây nếu ở rừng, còn ở đồng bằng thì làm tổ trong hang, bên những vực đất cheo leo. Chúng thường đẻ từ 3 – 5 trứng màu trắng. Thức ăn chủ yếu là côn trùng như bò cạp, rết… Có mỏ cong dài, trong một phút chúng có thể mổ sâu xuống đất 30 lần để tìm bắt côn trùng.

Đầu rồng có một tập tính rất lạ: gia trưởng kinh khủng trong thời kỳ nuôi con. Nếu các con non bị mất vì một lý do nào đó thì chim trống bay đi tìm con. Nếu không tìm thấy, chim trống đổ lỗi cho chim mái làm mất con và trút giận dữ lên đầu “vợ” bằng cách ngoạm chặt mỏ chim mái không thả ra, chim mái có vùng vẫy kêu cứu cũng không tha. Mỗi lần như vậy không dưới 20 phút.

Chim đầu rồng đực trút giận lên đầu vợ

Có thân hình nhỏ, nhẹ nhưng sở hữu đôi cánh to, tròn nên khi chim non rời tổ chuyền cành, chim bố mẹ có thể vừa bay vừa mớm mồi cho con mà không cần phải đậu xuống. Đặc tính độc đáo này chưa được phát hiện ở loài chim nào khác ở Việt Nam.

Chim đầu rồng mớm thức ăn cho con mà không cần đậu xuống cành cây

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *