Ai cũng nghĩ chỉ trong xã hội loài người mới có những kẻ trộm chuyên nghiệp. Thật ra, thế giới động vật cũng có những loài chuyên dùng vũ lực để cướp bóc, có loài chuyên lén lút bí mật đi… ăn trộm, như chim khách, được xếp vào danh sách đạo chích của rừng.
Chim khách chuyên trộm cắp ở rừng thưa, rừng đồng bằng, khác với chim phướn sống thành bầy đàn, có đàn lên đến 30 con chuyên thực hiện việc trộm cắp ở rừng già, rừng nguyên sinh. Theo kết quả nghiên cứu của người viết, bình quân cứ năm tổ chim thì có đến bốn bị mất con và mất trứng bởi nhiều lý do, trong đó có lý do bị chim khách ăn trộm.
Chim khách có tầm vóc trung bình (chiều dài từ đầu mỏ đến chót đuôi khoảng 27cm), sống từng đôi một và luôn tạo lãnh địa riêng. Chim khách còn có tên là “chèn chẹt” vì giọng hót của chúng cứ kéo dài như tiếng nghiến răng rất khó cảm tình. Ngược lại vào mùa yêu đương, chúng lại có giọng hót “t’rắc cắt, cắt cắt… cùm cum” âm điệu hết sức ngọt ngào, êm ái như tiếng trống cơm.
Chim khách làm tổ rất khéo. Bên dưới tổ toàn cành gai để chống các loài thú nhỏ trèo lên ăn trứng và chim non. Bên trong tổ được đan lót rất cẩn thận bằng rễ của các loài lan rừng. Chúng thường đẻ từ ba đến năm trứng, ấp khoảng 17 ngày là nở.
Thủ đoạn ăn trộm của chim khách rất khôn khéo. Chúng luôn lặng lẽ đứng yên trong các bụi rậm để quan sát các loài chim khác. Khi di chuyển, chúng ít bay mà thường chuyền từ cành này sang cành khác và láo liên dòm ngó với cặp mắt của kẻ trộm chuyên nghiệp.
Trong tự nhiên, các loài chim săn mồi có móng vuốt khoẻ, bộ hàm cứng để có thể bắt những con mồi lớn xé nhỏ rồi ăn. Chim khách không có khả năng này và không thuộc nhóm chim săn mồi, mà chỉ có thể nuốt trọng các thứ ăn trộm được như trứng và chim non. Khi trứng và chim non khó tìm được, thức ăn của chim khách con lúc này sẽ là các loài ve rừng và côn trùng.
Thông thường, chim trống đi tìm thức ăn, chim mái ở nhà giữ tổ. Khi chim trống tìm được thức ăn, thì nuốt vào bụng rồi “sú” cho chim mái, sau đó chim mái bay về tổ mớm thức ăn cho từng chim con một cách rất cẩn thận, không để rơi vãi. Chim khách nuôi con rất giỏi, bảo vệ con rất khôn ngoan.
Do chim khách có hình thức không bắt mắt, giọng hót không hay nên không là đối tượng săn bắt của con người, vì vậy, hiện tại, số lượng của loài chuyên ăn trộm này đã phát triển đến mức vượt trội trong rừng, khiến các loài chim khác không phát triển lên được. Đã thế, con người lại tập trung săn bắt nhiều loài chim, gia tăng sự mất cân bằng sinh thái rất nguy hiểm cho rừng.
Theo SGTT